Bản tin Thị trường Sắt thép Việt Nam tuần 7/2023 (13/2 - 17/2)

Nhìn chung, ở tuần này, nhu cầu trên thị trường đều cho thấy sự suy yếu rõ ràng hơn, một phần là do hiện tại vẫn đang trong tháng Giêng. Nhu cầu yếu đã khiến các thương nhân hạn chế trong việc điều chỉnh, kể cả khi nhà máy tăng giá, điển hình là với giá thép ống hộp và giá tôn. Hiện tại, thị trường đang cho rằng nhu cầu đối với thép thành phẩm có thể sẽ tăng ở tháng Hai âm lịch. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc ở tuần này đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng. Do đó, thị trường ở tuần tới có thể sẽ có nhiều biến động.  

 

Thị trường phế liệu nhập khẩu: 

Tuần này, giá chào phế liệu nhập khẩu của các thị trường đến Việt Nam diễn biến khá phức tạp. Trong khi giá chào của Nhật có xu hương tăng nhẹ, thì giá chào của Hàn Quốc và Mỹ lại gần như đi ngang. Dù vậy, lượng chào hàng cũng không nhiều, do người mua Việt Nam vẫn đang duy trì sự thận trọng đối với thị trường.  

Thị trường phế liệu nội địa: 

Nhìn chung giá phế tuần này gần như đi ngang do điều chỉnh của các nhà máy khá nhẹ, và thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng và giảm cùng xuất hiện. Ở đầu tuần, một số nhà máy ở miền Bắc và miền Trung tăng giá phế liệu thêm 200đ/kg. Đến cuối tuần, giá lại có dấu hiệu giảm nhẹ 100-200đ/kg ở một số nhà máy nhỏ và bãi phế. 

Thị trường phôi thép xuất khẩu: 

Người bán Việt Nam ở tuần này hầu như không đưa ra mức giá chào phôi xuất khẩu mới. Trong khi đó, nhờ sự tăng giá từ Trung Quốc, giá chào phôi của nhiều thị trường đã tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn thấp hơn so với mức giá chào 625 USD/tấn Fob của Việt Nam. 

Thị trường phôi thép nội địa: 

Giá phôi tuần này đi ngang khi các nhà cung cấp có xu hướng giữ giá để quan sát thêm thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu yếu vẫn đang tạo áp lực lên giá, ở cuối tuần đã có nhiều đơn chào phôi với giá giảm xuất hiện trên thị trường. 

Thị trường HRC nhập khẩu: 

Thị trường Trung Quốc phục hồi nhanh chóng, giá chào HRC của Trung Quốc đến Việt Nam cũng tăng từ giữa tuần, dao động quanh mức 635-645 USD/tấn CFR. Giá chào của các thị trường khác có thể sẽ sớm tăng ở tuần tới. 

Thị trường HRC nội địa: 

Tâm điểm của tuần này là Formosa tăng mạnh giá HRC tháng 2/2023, nhưng cũng bởi sức mua yếu nên thương nhân đa phần không đưa ra điều chỉnh nào ở tuần này. Dù vậy, việc Formosa tăng giá cũng củng cố thêm sự lạc quan của các thương nhân. 

Thị trường thép xây dựng xuất khẩu: 

Giá chào thép xây dựng của Việt Nam ở tuần này tăng đáng kể, chạm mốc 700 USD/tấn FOB sau khi thị trường Trung Quốc dần phục hồi. Mức giá này đang quá cao và khiến Việt Nam khó ghi nhận giao dịch thành công.

Thị trường thép xây dựng nội địa: 

Ngoại trừ Vina Kyoei tăng giá, thị trường thép xây dựng gần như không ghi nhận thêm điều chỉnh nào từ phía các nhà máy cũng như thương nhân ở tuần này. Trong khi đó, tiêu thụ đã có dấu hiệu yếu hơn và đã có nhà máy trợ giá 200đ/kg đối với thép cây dùng trong các dự án. 

Thị trường thép ống, hộp: 

Tuần này, nhiều nhà máy lớn như Hoa Sen Hòa Phát, Sendo,… vẫn tăng giá thép ống hộp thêm 200-300đ/kg, TVP tăng mạnh hơn, 500đ/kg. Tuy nhiên, sức mua yếu nên giá của thương nhân chỉ tăng nhẹ 0.7% so với tuần trước.   

Thị trường tôn: 

Nhiều nhà máy lớn đã tăng mạnh giá tôn từ 400-800đ/kg ở tuần này, cũng có mức tăng nhỏ hơn là 200-300đ/kg. Hơn nữa, các nhà máy vẫn tiếp tục đưa ra thông báo tăng giá tôn từ 200-500đ/kg ở tuần tới. Ngược lại với nhà máy, các thương nhân điều chỉnh nhẹ và chậm hơn, chỉ tăng 100-200đ/kg so sức mua trên thị trường yếu.  

Nguồn tin: Giathepton.com

Bài viết gần đây