Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 7.3- 11.3/2022)

 Thị trường phế liệu nhập khẩu: Một loạt các kỷ lục giá mới đã được thiết lập, giá chào phế liệu đã chạm mốc 700 USD/tấn CFR trong khi giao dịch H2 cao chưa từng có lên tới 620 USD/tấn CFR. Người mua từ Việt Nam đang phải làm quen dần với các đơn chào trên 600 USD/tấn CFR ngay cả với phế phổ thông. Giá phế liệu nhập khẩu trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu giảm, nên sẽ còn kéo giá nội địa tăng và người mua Việt Nam sẽ sớm nhập số lượng lớn thay vì chỉ vài nghìn tấn như tuần này.

Thị trường phế liệu nội địa: Trạng thái giằng co của thị trường đã kết thúc, giá tăng đồng loạt khi giá phôi, thép xây dựng và phế liệu nhập khẩu đều tăng. Nhiều nhà máy đã tăng 2 lần liên tiếp trong tuần. Các bãi phế tăng chủ động sớm và đang điều tiết lượng bán ra do đặt kỳ vọng giá sẽ còn tăng nữa vào tuần tới.  

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Phôi xuất khẩu chủ yếu đi ngang, thị trường bớt nóng sau khi tăng vọt ở tuần trước. Dù vậy, người bán từ Việt Nam vẫn muốn giữ mốc 800 USD/tấn CFR. Việc thị trường Trung Quốc biến động và dần phục hồi sẽ tác động tới thị trường xuất khẩu ở tuần tới. Ngoài ra, giá phế liệu tăng, phôi nội địa và thép xây dựng tăng cũng là những yếu tố thúc đẩy phôi xuất khẩu sôi động trở lại. Bên cạnh đó, việc các thị trường thế giới liên tục tăng cũng là một yếu tố thúc đẩy giá phôi có thể tăng.

Thị trường phôi thép nội địa: Xu hướng ảm đạm đã bị cắt đứt, giá tăng mạnh, giao dịch cũng tăng sau khi giá thép xây dựng và phế liệu tăng mạnh. Phôi nội địa khả năng sẽ còn tăng ở tuần tới khi các yếu tố tăng giá vẫn đang hỗ trợ tích cực cho thị trường

Thị trường HRC nhập khẩu: Ấn Độ tiếp tục bỏ rơi người mua Việt Nam nên các biến động từ Trung Quốc đã tạo ra những ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều. Giá kỳ hạn lao dốc và không chắc chắn khiến giá chào tăng rồi giảm và số lượng đơn chào giảm sâu. Tuy nhiên, cuối tuần thị trường có dấu hiệu trở lại và người bán Trung Quốc có vẻ vẫn muốn chinh phục mốc trên 900 USD/tấn CFR vững chắc với SS400, SAE 1006.

Thị trường HRC nội địa: Giá tăng đầu tuần rồi giảm ở giữa tuần trước sức ép từ thị trường kỳ hạn nhưng triển vọng tăng có vẻ đang trở lại. Chưa kể ở tuần tới Formosa và Hòa Phát sẽ công bố giá mới, chắc chắn sẽ tăng, chỉ là tăng 3 con số hay 2 con số. Dù với điều chỉnh nào thì giá nội địa cũng có cơ hội tăng chưa kể giá tôn, thép ống, hộp vẫn tăng.

Thị trường thép xây dựng: Các nhà máy tiếp tục gây bất ngờ khi giá tăng một lần nữa và tăng mạnh hơn với tất cả các đợt tăng trước đó với mức tăng lên tới 600đ/kg. Nhiều nhà máy phía Nam chưa kịp tăng giá lần 1 nên tuần này tăng liên tiếp 2 lần. Giá thương nhân cũng tăng đáng kể. Dù đã liên tục tăng nhưng khả năng ở tuần tới thép xây dựng sẽ tăng tiếp do phế và phôi tăng và các yếu tố khác liên quan tới sản xuất cũng đang tăng.

Thị trường thép ống, hộp: Hầu hết các nhà máy vẫn tăng giá, chênh lệch giá của các nhà máy cũng được nới rộng. Ở tuần tới, nhiều nhà máy đã thông báo tăng giá, các diễn biến nhiều khả năng tương tự tuần này dù mức tăng có thể cao hơn.          

Ở tuần này, thị trường xuất hiện nhiều bất ngờ. Một số các mặt hàng tăng mạnh ở tuần trước bỗng chững lại hoặc giảm nhẹ, điển hình là HRC. Ngược lại các mặt hàng đi ngang ở tuần trước bật tăng, nhất là phế liệu và phôi. Giá thép xây dựng tăng liên tiếp với mức tăng lớn hơn cũng gây bất ngờ. Trong khi đó, tôn và thép ống, hộp vẫn có một vài nhà máy đứng ngoài các đợt tăng chung để quan sát thị trường và điều chỉnh chiến lược giai đoạn tới. Dựa trên các yếu tố này, xu hướng chung ở tuần tới tiếp tục là tăng giá nhưng thị trường chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ.

Bài viết gần đây