Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 4.7- 8.7/2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Xu hướng tăng nhẹ đã dần trở lại khi thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 50-70 USD/tấn trong tuần này. Vì thế, chào giá phế Mỹ, EU lần đầu về lại mức trên 400 USD/tấn CFR Việt Nam sau gần 1 tháng. Giá chào phế cao cấp ở nhiều thị trường khác cũng tăng, có triển vọng về lại mốc 500 USD/tấn CFR. Tuy nhiên, người mua Việt Nam đang hướng tới phiên đấu thầu Kanto vào 12/7 nên giao dịch ở tuần này yếu.

Thị trường phế liệu nội địa: Sau Tuệ Minh, An Hưng Tường hay Shengli…ở cuối tuần trước tới tuần này TISCO cũng mua phế trở lại, tất nhiên giá giảm so với trước đó 850đ/kg. Nhưng điều này đã giúp thị trường ổn định hơn và do đó nhiều nhà máy như Hòa Phát, Shengli, Nghi Sơn đã tăng nhẹ từ 200-500đ/kg ở tuần này. Tình trạng khan hàng cũng xuất hiện ở một số nơi nên giá các bãi cũng nhích lên 100-200đ/kg. Nếu thép xây dựng không giảm giá ở tuần này, nhịp tăng của phế liệu có vẻ đã lan rộng hơn.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Người bán từ Việt Nam đang nỗ lực nhiều hơn để cải thiện tiêu thụ khi sức mua và giá nội địa yếu. Tuy nhiên, cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu cũng rất lớn khi chào bán nhiều còn chào mua ít. Chưa kể việc phôi Đường Sơn giảm 80 NDT/tấn cuối tuần này so với cuối tuần trước cũng là một rào cản. Mức chào giá phôi tuần này biến động với khoảng giá chào có biên động rộng cho thấy áp lực chào bán tăng. Khác với tuần trước, tuần này không có giao dịch thành công được ghi nhận.

Thị trường phôi thép nội địa: Giá phôi đã giảm nhẹ tiếp sau đó chững lại dù thép xây dựng giảm giá sớm và nhiều hơn. Giao dịch phôi tuần này cũng yếu hơn tuần trước khi sự thận trọng đã trở lại. Tuy nhiên, nếu phế liệu có thể tăng, không loại trừ khả năng phôi sẽ nhích nhẹ ở tuần tới để thúc đẩy tiêu thụ.           

Thị trường HRC nhập khẩu: Giá tiếp tục lao dốc còn giao dịch vẫn yếu. Chào giá SS400 của Trung Quốc đã giảm khoảng 50-55 USD/tấn còn SAE 1006 của Ấn Độ giảm từ 50-60 USD/tấn ở cuối tuần này. Thị trường cũng đón nhận giá chào từ Nga ở mức rất thấp và giá chào từ Nhật ở mức cao. Người mua Việt Nam thường ít giao dịch khi giá biến động giảm, chưa kể tồn kho HRC hiện khá cao trong khi sức mua nội địa yếu. Ngoài ra, có vẻ ai cũng muốn đợi giá HRC niêm yết tháng 7 của Formosa và Hòa Phát dự kiến sẽ có ở tuần tới để xem xu hướng thị trường.  

Thị trường HRC nội địa: Sau một tuần giảm chậm, thị trường HRC nội địa đã giảm đáng kể với 2-3 lần giảm trong tuần. Dù vậy, giao dịch vẫn yếu khi giá kỳ hạn giảm, giá chào giảm và thời điểm có giá mới của Formosa cùng Hòa Phát đang tới gần. Ngoài ra, sự suy giảm của giá thép ống, hộp, tôn cũng là một lý do.  

Thị trường thép xây dựng: Như thường lệ, Hòa Phát và nhiều nhà máy đã duy trì mức giảm giá 1 lần/1 tuần nhưng ở tuần này giảm sớm hơn và mức giảm cũng nhiều hơn, giảm 150đ/kg với thép cây và 250đ/kg với thép cuộn. Tiêu thụ thép xây dựng tháng 5 của các nhà máy thấp nhất kể từ đầu năm. Ở tháng 6, điều này có thể sẽ tiếp diễn khi, tiêu thụ nhiều nhà máy vẫn giảm, kể cả Hòa Phát với các số liệu vừa được công bố.

Thị trường thép ống, hộp: Sau Hoa Sen, Hòa Phát, Nam Kim, Nam Hưng…giảm giá ở đầu tháng, tới tuần này nhiều nhà máy cũng giảm, giá thương nhân cũng giảm nhưng chưa đồng loạt. Việc Sendo công bố chính sách bảo lãnh giảm giá trong tháng 7 cũng là một lý do để tin rằng giá thép ống, hộp còn điều chỉnh tiếp, nhất là khi HRC giảm còn tiêu thụ vẫn yếu.

Ở tuần đầu tháng 7, dù có những tín hiệu tích cực từ thị trường phế liệu nhưng các mặt hàng khác vẫn tiếp tục suy giảm. Thị trường thế giới cũng chưa có chuyển biến nào đáng chú ý, trừ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, áp lực suy giảm vẫn diễn ra ở nửa đầu tháng 7. Một số mặt hàng thậm chí sẽ còn biến động mạnh hơn, nhất là HRC, thép ống, hộp và tôn. Tuần tới, có 2 sự kiện đáng chú ý. Ở nước ngoài là phiên đấu thầu phế liệu xuất khẩu Kanto. Ở trong nước là đợt công bố giá HRC định kỳ của Formosa và Hòa Phát. Diễn biến hai sự kiến này sẽ phần nào cho biết xu hướng thị trường trong tháng 7.

Nguồn: giatonthep.com

Bài viết gần đây