Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 30.5- 3.6/2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Người mua Việt Nam vẫn đang khá thờ ơ với thị trường nhập khẩu khi có ít giao dịch thành công diễn ra dù đa phần thị trường đều có giá phổ biến từ 440-480 USD/tấn CFR cả với phế phổ thông và cao cấp, nhất là từ Mỹ. Trong khi đó, phế Nhật dù vẫn giảm nhưng giảm nhẹ và thể hiện rõ xu hướng giằng co. Chào giá H2 vẫn duy trì khoảng 470-480 USD/tấn CFR nhưng khó giảm về mức kỳ vọng của người mua từ 440-450 USD/tấn CFR do giá tại Nhật đã giảm chậm lại. Ở nhiều thị trường khác, giá phế nhập khẩu chưa tăng nhưng giao dịch đã tăng khá rõ và có khả năng sẽ sôi động dần từ nửa sau tháng 6.

Thị trường phế liệu nội địa: Ở tuần này, thị trường đồng loạt giảm. Mức giảm lớn nhất thuộc về hệ thống VAS, giảm phổ biến 1,000đ/kg và nhiều nhà máy phía Nam, giảm 600-1,000đ/kg như thép miền Nam, POSCO, Pomina…Ở phía Bắc, Shengli cũng giảm 400đ/kg trong khi Hòa Phát, TISCO giảm chậm hơn. Dù vậy, đa phần là đợt giảm kết thúc vào 31/5, ít giảm sang tháng 6. Các bãi phế liệu đang kháng cự mạnh mẽ với xu hướng giảm này nên giảm chậm hơn và hạn chế bán ra. Điều này cũng có liên quan tới việc phôi tăng giá trở lại.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Giá đã giảm nhẹ 10-15 USD/tấn, đồng thời nhiều mức giá chào linh hoạt được đưa ra nhưng sức hấp thụ của thị trường ngoài Trung Quốc vẫn yếu. Các hy vọng về sự phục hồi nhanh của thị trường Trung Quốc đang tăng dù phôi Đường Sơn tuần này chỉ tăng nhẹ về mức 4,500 NDT/tấn. Chào giá phôi phổ biến ở tuần này từ 650-660 USD/tấn CFR một số thị trường Đông Nam Á và có triển vọng nhích nhẹ ở tuần tới.

Thị trường phôi thép nội địa: Ở phía Bắc giá đã bất ngờ tăng trở lại từ cuối tuần trước và khá rõ ở tuần này. Dù khoảng chào giá và giao dịch vẫn khá rộng từ 13,850-14,150 đ/kg, chưa VAT, kho người bán nhưng việc thị trường cắt được chuỗi giảm cũng hết sức đáng chú ý. Giá tăng cũng thúc đẩy giao dịch tăng trở lại khi nhiều nhà máy phía Bắc có dấu hiệu thiếu phế và chuyển sang ưu tiên giao dịch phôi. Việc phôi tăng giá cũng mang theo hy vọng cắt đà giảm của phế liệu và của thép xây dựng.

      

Thị trường HRC nhập khẩu: Giá kỳ hạn tăng đã kéo giá Trung Quốc chào tới thị trường Việt Nam liên tục tăng thêm khoảng 30-40 USD/tấn trong tuần này với HRC SS400 và 10-20 USD/tấn với SAE 1006. Đáng chú ý nhiều đơn chào HRP A36 đã vọt lên mốc 825 USD/tấn CFR. Cùng lúc đó, Ấn Độ đã tìm cách lách thuế và bán SAE 1006 trở lại. Ước tính có khoảng 30 nghìn tấn đã giao dịch thành công, mức giá khoảng 745-750 USD/tấn CFR. Mức giá này sẽ tạo canh tranh lớn với giá từ Trung Quốc và cả giá của Hòa Phát và Formosa dù 2 nhà máy này vừa đồng loạt giảm thêm giá HRC niêm yết tháng 5 dù trước đó đã giảm sâu.

Thị trường HRC nội địa: Giá nội địa vẫn giảm từ 300-500đ/kg, chủ yếu giảm ở đầu tuần rồi đi ngang. Ở tuần này Formosa và Hòa Phát đều đồng loạt giảm thêm giá HRC niêm yết tháng 5, giao tháng 7. Tin tức cho thấy, Formosa giảm thêm 30-50 USD/tấn trong khi Hòa Phát giảm 300-400đ/kg. Nếu tuần tới giá kỳ hạn tăng tốt, mạch giảm có thể sẽ ngắt, giao dịch sẽ sôi động dần trở lại và không loại trừ giá tăng nhẹ.

Thị trường thép xây dựng: Lần thứ 4 trong tháng, Hòa Phát và nhiều nhà máy giảm giá nhưng mức giảm tuần này chỉ là 200đ/kg, áp dụng chung cả thép cây và thép cuộn. Trong khi nhiều nhà máy phía Nam cũng giảm 200đ/kg đầu tháng 6. Như vậy, tổng cộng giá thép xây dựng nhà máy đã giảm từ 1,200-1,550đ/kg, tương tự mức tăng 1,600đ/kg của tháng 3. Chính vì thế không loại trừ khả năng giá sẽ đi ngang ở tháng 6 để chờ phục hồi nhất là khi phôi đang tăng giá dần trở lại.

Thị trường thép ống, hộp: Hòa Phát và Hoa Sen đồng loạt giảm sâu và áp dụng thêm chính sách truy hồi, khuyến mại khiến thị trường quay đầu giảm ở cả miền Bắc và miền Nam. Ngay cả khi nhiều nhà máy nhỏ chưa giảm, thương nhân cũng chủ động điều chỉnh. Điều này cho thấy tồn kho và áp lực tiêu thụ ở tháng 5 vẫn không được cải thiện nhiều so với tháng 4.

Thị trường tôn: Hoa Sen giảm sâu đã kéo giá thị trường giảm theo. Tuy nhiên, hai vấn đề chính mà thị trường tôn phải đối mặt lúc này là giá SAE 1006 biến động và các tin tức về việc EU áp hạn ngạch HDG xuất từ Việt Nam từ 1/7/2022. Ở tuần tới, khả năng giá vẫn tiếp tục giảm nhẹ.    

Dù nhiều mặt hàng vẫn giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm đáng kể, nhất là thép xây dựng, phế liệu. Riêng đối với phôi, thị trường nội địa đã ngắt mạch giảm, thậm chí tăng trở lại, mang theo nhiều kỳ vọng hỗ trợ cho phế liệu và thép xây dựng. Đối với HRC, thép ống, hộp và tôn, các yếu tố đang giằng co. Nhưng điểm mấu chốt có lẽ nằm ở đà phục hồi của thị trường Trung Quốc. Nếu thị trường này tăng tốt như dự kiến, thị trường HRC, thép ống, hộp, tôn sẽ có thể sẽ có các điều chỉnh tích cực trong giai đoạn tới.

Nguồn: giathepton.com

Bài viết gần đây