Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 29.11- 3.12/2021)

 Thị trường phế liệu nhập khẩu: Sau một thời gian dài im lặng, người mua từ Việt Nam đã trở lại thị trường với khoảng 5,5 nghìn tấn phế liệu nhập khẩu. Các lô hàng này đều là phế liệu phổ thông, giá từ 450-475 USD/tấn CFR. Việc phiên đấu giá Kanto không có kết quả tháng thứ 2 liên tiếp do giá thầu thấp hơn giá nội địa đã khiến người mua Việt Nam tiếp tục đứng ngoài các giao dịch với thị trường phế liệu truyền thống Nhật Bản. Ở tuần này, thị trường nhập khẩu khả năng sôi động hơn, nhất là khi giá nội địa có dấu hiệu tăng.

Thị trường phế liệu nội địa: Ở miền Nam các nhà máy đồng loạt giảm 200-300đ/kg nhưng ở miền Bắc tới cuối tuần nhiều nhà máy đồng loạt tăng giá mua thêm 200-300đ/kg. Giá các bãi phế ở miền Nam cũng không giảm nhiều sau khi các nhà máy đều giảm, còn ở miền Bắc, giá các bãi thậm chí tăng trước cả giá nhà máy. Chênh lệch phế liệu miền Bắc với các khu vực khác đang làm tái xuất hiện xu hướng gom phế ở miền Nam chuyển ra miền Bắc.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Tiếp tục không có nhiều điều để nói về thị trường phôi xuất khẩu tuần này khi giá biến động nhẹ, cơ bản giữ giá cũ và chào giá tới các thị trường cũ. Ở tuần này, giá phôi Đường Sơn tăng giảm đan xen. Đầu tuần, phôi tăng khoảng 80 NDT/tấn so với với tuần trước nhưng tới cuối tuần lại giảm 50 NDT/tấn về mốc 4,310 NDT/tấn, mốc quá thấp để nhập khẩu phôi. Tuy nhiên, nếu các nhà máy lớn chuyển phôi xuất khẩu về bán ở nội địa, thị trường phôi tuần tới sẽ rất đáng chú ý.

Thị trường phôi thép nội địa: Phôi trung tần tuần này đã trụ vững ở mốc trên 14,000đ/kg, chưa VAT dù thép xây dựng giảm đồng loạt. Thậm chí, giá còn tăng nhẹ. Phôi tăng vì lượng giao dịch tháng 12 cạn kiệt, thị trường khan hàng. Mặt khác, giá phế cũng có dấu hiệu tăng ở miền Bắc. Điều này cho thấy trong tuần này, khả năng phôi ổn định giá hoặc tăng nhẹ.

Thị trường HRC nhập khẩu: Giá chào nhập khẩu diễn biến theo chiều hướng giảm nhẹ với giá của Ấn Độ và tăng giảm đan xen với giá của Trung Quốc. Chào giá Ấn Độ giảm vì giá nội địa giảm. Còn với thị trường Trung Quốc, giá chào biến động vì thị trường kỳ hạn liên tục thay đổi, tăng ở đầu tuần, đi ngang ở giữa tuần và giảm ở cuối tuần. Người mua Việt Nam đã bắt đầu có giao dịch trở lại nhưng mang tính chất thăm dò. Tất cả đang chờ giá mới của Formosa và Hòa Phát.  

Thị trường HRC nội địa: Giá cơ bản đi ngang sau khi liên tục giảm thời gian qua. Đáng chú ý, một số mác thép còn tăng nhẹ. Dù vậy, áp lực giảm sẽ đè nặng lên thị trường HRC nội địa tuần tới do sức mua giảm, giá các loại thép thành phẩm như ống hộp, tôn giảm. Ngoài ra, giá HRC nhà máy tháng tới của Formosa và Hòa Phát dự kiến cũng sẽ giảm tiếp.

Thị trường thép xây dựng: Giá đã giảm đồng loạt 400đ/kg thép cây và thép cuộn ở tuần qua. Sau giảm giá, nhiều nhà máy còn trợ giá cho đại lý. Điều này chủ yếu vì tiêu thụ tuần đầu tháng 12 vẫn thấp, áp lực tồn kho tăng. Giải pháp xuất khẩu đã được tính tới nhưng cũng không giải quyết được bài toán giá, chỉ phần nào giảm được áp lực tiêu thụ. Ở tuần này, các đại lý hoàn toàn có thể sẽ giảm giá tiếp để tăng sản lượng bán hàng.  

Thị trường thép ống, hộp: Giá vẫn giảm luân phiên, tuần này miền Bắc giảm đồng loạt 300-500đ/kg, giá ở miền Nam giảm chỉ tập trung vào một số thương hiệu nhưng mức giảm sâu hơn. Ở tuần tới, khả năng thị trường miền Nam sẽ giảm đều với nhiều thương hiệu khác, mức giảm phổ biến sẽ từ 300-500đ/kg.

Càng về cuối năm, sự đối nghịch về xu hướng giá trên thị trường càng bộc lộ rõ. Trong khi thép xây dựng giảm giá, giá phế liệu và phôi có xu hướng tăng. Điều này một phần vì mức độ điều chỉnh đối với chuỗi giá trị thép từ nguyên liệu tới thành phẩm đã diễn biến trái ngược nhau trong một thời gian dài. Đây không chỉ là vấn đề với thị trường thép xây dựng mà còn với thị trường HRC, tôn, thép ống, hộp. Điều này, cộng với áp lực tồn kho, thanh khoản cuối năm sẽ khiến thị trường thép còn biến động mạnh để điều chỉnh cho chuỗi giá trị trở về trật tự vốn có.

Nguồn: giathepton.com

Bài viết gần đây