Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 28.3- 1.4/2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Do giá H2 tại Nhật tiếp tục tăng cao dù đã vượt ngưỡng đỉnh từ năm 2008 tới nay nên giá xuất khẩu cũng tăng mạnh. Vì thế, người mua Việt Nam đã không giao dịch phế liệu từ Nhật Bản tuần này mà chủ yếu mua phế của Mỹ. Nhưng dù chọn thị trường nào để giao dịch thì giá phế liệu nhập khẩu vẫn tăng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp các thị trường nhập khẩu khác tại châu Á.

Thị trường phế liệu nội địa: Xu hướng tăng đã rõ ràng hơn vào cuối tuần khi giá phế nhập khẩu tăng, giá thép xây dựng báo tăng ở tuần tới và giá phôi chuyển từ giảm sang tăng. Từ cuối tuần này và đầu tuần sau, phế nội địa sẽ tăng đều hơn ở khắp các thị trường dù mức tăng không lớn.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Giá phôi Đường Sơn tăng dần trở lại, các tín hiệu thị trường cũng được cải thiện hơn nên mức độ tích cực chào giá cũng tăng dần ngay cả khi Trung Quốc chưa nhập phôi. Người bán từ Việt Nam đang tìm mọi cách để xuất khẩu phôi và kỳ vọng rằng cung-cầu ở thị trường Trung Quốc sớm trở lại bình thường, nhất là sau dịch bệnh.  

Thị trường phôi thép nội địa: Thị trường đã ngược dòng vào cuối tuần sau khi đi ngang rồi giảm. Việc phôi tăng trở lại bao gồm có sự tích cực ở thị trường xuất khẩu, giá thép xây dựng tăng và phế liệu ở mức cao. Xu hướng tuần tới sẽ là tăng nhẹ, giao dịch cũng sôi động hơn.  

Thị trường HRC nhập khẩu: Sau các biến động, giá chào đã tăng dần dù sức mua chưa tăng. Hiện HRC có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc trong quý 2 nên không loại trừ nguồn cung vào thị trường Việt Nam có thể khan hiếm, ảnh hưởng tới giá và giao dịch.

Thị trường HRC nội địa: Giá giảm nhẹ trước sức ép tiêu thụ và tâm lý yếu. Dù vậy, xu hướng tích cực đã xuất hiện rõ hơn ở cuối tuần và nhiều khả năng sẽ vực dậy thị trường ở tuần tới.    

Thị trường thép xây dựng: Thép miền Nam, Pomina, Vina Kyoei sẽ tăng giá 300đ/kg vào 7/4. Các tin tức này đến rất kịp thời khi sức ép với tiêu thụ tăng cao và sức ép với phôi, phế liệu đều tăng. Nhiều khả năng các nhà máy phía Bắc cũng tăng ở tuần tới, thậm chí tăng trước các nhà máy phía Nam.  

Thị trường thép ống, hộp: Đà tăng tiếp tục chậm và tập trung nhiều ở phía Nam. Sự phân hóa của thị trường ngày càng rõ khi Hoa Sen tăng giá liên tục và duy trì khoảng cách ngày càng lớn với nhiều thương hiệu khác. Khoảng cách này có thể còn lớn hơn nữa ở tuần tới.

Mặc dù thị trường phần lớn vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm nhẹ với một số mặt hàng nhưng triển vọng tăng toàn diện đã dần hình thành và khả năng sẽ diễn ra ngay trong tuần tới với những mức độ khác nhau. Sau chuỗi đi ngang việc thị trường tăng trở lại cũng dễ hiểu nhưng động lực tăng chính của tháng 4 nhiều khả năng tới từ thị trường quốc tế, nhất là sự phục hồi của Trung Quốc. Dự báo giá thép tại Trung Quốc có thể tăng nóng và sức nóng này chắc chắn sẽ lan tới thị trường thép Việt Nam.

Nguồn: giathepton.com

Bài viết gần đây