Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 27.02 - 03.03.2023)

Nhu cầu yếu của thị trường hiện nay vẫn là một vấn đề nan giải đối với ngành thép Việt Nam và tạo sức ép lên giá cả. Tuy nhiên, thị trường thế giới vẫn đang thể hiện xu hướng tăng, thêm vào đó, các nhà máy ở Việt Nam vẫn đang tăng giá thép thành phẩm nên giá cả nhìn chung là chưa giảm nhiều. Một số mặt hàng như tôn và thép ống hộp có xu hướng tăng giá nhẹ. Sang đầu tháng 3 - tháng cao điểm, thị trường được kỳ vọng sẽ cải thiện theo hướng tốt hơn. Thực tế, một số mặt hàng như phôi đã có dấu hiệu tăng giá ở cuối tuần này, nên các thương nhân cũng hi vọng giá có thể sẽ tăng ở tuần tới.   

Thị trường phế liệu nhập khẩu: 

Chào giá phế của Mỹ đã tăng lên mức 470-475 USD/tấn CFR Việt Nam. Mức giá này tương đương với giá chào của Nhật, nhưng lượng đơn chào của Nhật ít hơn do có xu hướng chờ kết quả đấu thầu Kanto vào ngày 9/3. Thị trường Việt Nam theo đó cũng ít giao dịch, nhưng người mua có vẻ đã quan tâm nhiều hơn tới các đơn chào. 

Thị trường phế liệu nội địa: 

Tuần này có Quốc Bảo, Tisco giảm 100đ/kg với giá phế, trong khi Việt Nhật tăng 300đ/kg với một số loại phế. Giá phế của các bãi thay đổi trong phạm vi hẹp khoảng 100-200đ/kg. Dù vậy, số lượng nhà máy và các bãi điều chỉnh là không nhiều, nên nhìn chung giá phế liệu trong tuần này khá ổn định. 

Thị trường phôi thép xuất khẩu: 

Sau một thời gian gián đoạn, người bán chào giá phôi ở mức 630 USD/tấn FOB với sự hỗ trợ từ đà tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á vẫn khá yếu, người bán chuyển hướng từ phôi BF sang phôi IF do giá mềm hơn, và Việt Nam ghi nhận giao dịch ở mức 595 USD/tấn FOB với 20 nghìn tấn phôi IF.

Thị trường phôi thép nội địa: 

Thị trường phôi ở tuần này hầu như đều không có biến động nhiều về cả giá và giao dịch. Một điểm đáng lưu ý là ở cuối tuần này, thị trường đã xuất hiện một vài đơn chào với giá tăng nhẹ. Các thương nhân kỳ vọng giá sẽ tăng trở lại ở tuần sau. 

Thị trường HRC nhập khẩu: 

Thị trương kỳ hạn tăng giá, chào giá HRC của Trung Quốc cũng tăng lên mức 650-660 USD/tấn CFR với SS400 và 690-700 USD/tấn CFR với SAE 1006, ngang với giá chào của Nhật Bản. Còn người bán Ấn Độ chưa đưa ra mức giá chào mới. Trong khi đó, sức mua tại Việt Nam yếu khiến thị trường nhập khẩu không quá sôi động. 

Thị trường HRC nội địa:

Ở tuần này, Hòa Phát thông báo tăng giá HRC thêm 950-1,030đ/kg, nhưng việc tăng giá này cũng không tác động nhiều đến thị trường do sức mua yếu. Giá HRC của các thương nhân gần như không thay đổi.  

Thị trường thép xây dựng xuất khẩu: 

Thị trường Đông Nam Á ở tuần này vẫn cho thấy sự yếu kém kể cả khi Trung Quốc tăng giá. Chào giá thép cây của các thị trường không có nhiều biến động trong hai tuần gần đây. Do đó, người bán Việt Nam chưa đưa ra mức giá chào thép cây mới ở tuần này. 

Thị trường thép xây dựng nội địa: 

Giữa tuần này, Hòa Phát thông báo tăng giá 200đ/kg với thép cây tại thị trường phía Nam từ ngày 6/3, Tungho cũng tăng 200đ/kg thép cây ngày 1/3. Ngoài ra, ở cuối tuần thị trường đang có tin Thép Miền Nam tăng giá thép xây dựng thêm 150đ/kg từ ngày 8/3. Còn các nhà máy khác và thương nhân đang thận trọng nên chưa đưa có điều chỉnh giá mới. 

Thị trường thép ống, hộp: 

Ở tuần này, vẫn có các nhà máy lớn tăng giá thép ống hộp thêm 200-300đ/kg, nhưng thương nhân tiếp tục tăng yếu. Giá của thương nhân chỉ tăng nhẹ 0.2% so với tuần trước, nhiều thương nhân còn không đưa ra thêm điều chỉnh mới.   

Thị trường tôn: 

Tương tự tuần trước, thị trường tôn tuần này chứng kiến nhiều điều chỉnh tăng phổ biến 200-300đ/kg của các nhà máy. Trong khi đó, giá tôn của thương nhân lại chỉ tăng nhẹ 0.2%, mức tăng còn yếu hơn tuần trước. 

Nguồn tin: Giá thép tôn tổng hợp


Bài viết gần đây