Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 23.5- 27.5/2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Giá phế nhập khẩu đã tiếp tục giảm nhưng khác nhau giữa các thị trường. Chào giá H2 của Nhật sau khi giảm về mức 480 USD/tấn CFR giữa tuần đã tăng lại thêm 10 USD/tấn vào cuối tuần, bất chấp phế nội địa Nhật giảm sâu. Người mua Việt Nam vì thế ít giao dịch nhập khẩu và nếu có thường chọn phế từ Mỹ, Hồng Kông với mức giá mềm hơn. Giá phế nhập khẩu phổ thông tuần này vào Việt Nam chỉ từ 425-435 USD/tấn CFR. Ở nhiều thị trường khác, các dấu hiệu chạm đáy và tăng nhẹ đã lác đác xuất hiện. Các giao dịch nhập khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan và một số thị trường tăng nhẹ về giá trong khi ở Hàn Quốc tăng vọt về lượng nhập khẩu. Giá phế toàn cầu đã về mốc giá thấp đầu năm nay nên việc phục hồi dần cũng dễ hiểu.

Thị trường phế liệu nội địa: Ở tuần này, có rất ít nhà máy giảm giá. Ở phía Nam, An Khánh giảm 300đ/kg, tại phía Bắc, TISCO giảm sốc 650đ/kg. Tuy nhiên, việc giảm giá của TISCO không ảnh hưởng quá lớn tới thị trường vì mức giá trước đó của nhà máy này rất cao. Sau điều chỉnh, giá của TISCO ngang bằng giá của Hòa Phát. Các nhà máy phía Bắc đang mua phế loại 1 từ 10,800-11,000đ/kg, chưa VAT, kho người mua. Ở phía Nam, con số này từ 10,200-10,600đ/kg. Do giá phế đã liên tục giảm và cách giá thép xây dựng quá xa nên ở tuần này, các bãi phế gần như để giá đi ngang sau chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp từ cuối tháng 4.  

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Giá đã giảm thêm 30-40 USD/tấn với nhiều lựa chọn chào giá được đưa ra và liên tục có các điều chỉnh linh hoạt. Đa phần phôi thép xuất khẩu của Việt Nam vẫn nhắm tới các thị trường ngoài Trung Quốc, tập trung nhiều vào Philippines. Việc phôi Đường Sơn biến động và giảm sâu nhiều thời điểm trong tuần này khiến cho thị trường phôi xuất khẩu của Việt Nam thêm áp lực. Phôi giá rẻ của Nga vẫn xuất hiện ở châu Á nhưng khó có giao dịch vì vướng các thủ tục thanh toán.

Thị trường phôi thép nội địa: Phế giảm chậm cũng đã giúp phôi nội địa giảm tốc. Ở tuần này, giá chủ yếu đi ngang, kết hợp giảm nhẹ, mức giảm từ 200-400đ/kg. Người bán đang kháng cự lại đà giảm giá khi nhìn thấy dần triển vọng phục hồi của thị trường Trung Quốc. Ở tuần này, sức mua nội địa vẫn yếu, lượng đơn chào cũng ít hơn.       

Thị trường HRC nhập khẩu: Sau khi giảm về dưới 800 USD/tấn CFR, người bán Ấn Độ đồng loạt rút khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau 10 ngày nối lại chào giá do chính phủ nước này áp thuế xuất khẩu thép 15% và quặng từ 45-50%. Dù vậy, điều này đã không thể giúp giá HRC Trung Quốc có thể tăng do giá kỳ hạn nước này giảm sâu ở nửa đầu tuần. Giá chào SAE 1006 Trung Quốc giảm nhẹ 10-20 USD/tấn nhưng giá SS400 giảm sâu, nhiều thời điểm về sát mốc 700 USD/tấn CFR nhưng cũng không có giao dịch. Tâm lý yếu, tiêu thụ nội địa thấp và sự chờ đợi kéo dài khiến thị trường HRC nhập khẩu chưa thể bùng nổ.

Thị trường HRC nội địa: Việc Formosa giảm 95 USD/tấn và Hòa Phát từ 125-130 USD/tấn khiến thị trường nội địa khó càng thêm khó. Chưa kể các biến động liên tục ở thị trường kỳ hạn và nhập khẩu kéo sức mua nọi địa tuần này tiếp tục chậm. Các doanh nghiệp nội địa sau khi giảm trước để đón đầu giá HRC nhà máy vào tuần trước đã giảm chậm ở tuần này khi nhận ra việc giảm giá cũng khó mang lại hiệu quả tiêu thụ như kỳ vọng.

Thị trường thép xây dựng: Lần thứ 3 trong tháng, Hòa Phát và nhiều nhà máy giảm giá. Lần này Hòa Phát giảm khác nhau với từng khu vực, phía Bắc giảm thấp hơn phía Nam 100đ/kg. Ở lần giảm này, thị trường không chứng kiến xu hướng đồng loạt khi nhiều nhà máy lớn phía Nam chưa giảm. Lũy kế đến hết tuần này, giá thép xây dựng nhà máy giảm 3-4 lần, mức giảm từ 900-1,350đ/kg, tùy nhà máy, thị trường. Tồn kho thép xây dựng ở mức cao trong khi tiêu thụ nội địa yếu đã thúc đẩy các nhà máy tích cực hoạt động trên thị trường xuất khẩu, dù áp lực cạnh tranh là rất lớn.

Thị trường thép ống, hộp: Đà giảm sốc của thị trường trong 2 tuần trước đó đã được phanh lại. Ở phía Bắc, vẫn có một số nhà máy giảm 300đ/kg nhưng không còn đồng loạt trong khi thị trường phía Nam cũng ít giảm hơn. Trong tháng 5, thị trường thép ống, hộp đã biến động mạnh một phần vì ống, hộp chưa xuất khẩu nhiều nên khi tiêu thụ chậm đã gây sức ép rất lớn tới giá bán ở nội địa.      

Thị trường tôn: Sau một tuần đi ngang là chính, ở tuần này, giá tôn được được điều chỉnh giảm nhưng ngoài Nam Kim, không có nhiều nhà máy lớn điều chỉnh. Khác với hầu hết các mặt hàng khác, tôn tiêu thụ chính ở thị trường xuất khẩu. Trong tháng 4, sản lượng xuất khẩu đạt hơn 60% tổng lượng tiêu thụ. Riêng các ông lớn như Hoa Sen, Nam Kim, Đông Á lên tới 68%-75%. Nhờ thị trường xuất khẩu, áp lực giảm của tôn đã không quá lớn cả khi tiêu thụ nội địa yếu.    

Sau chuỗi giảm sốc, thị trường nội địa rõ ràng đã giảm chậm lại, thậm chí một số mặt hàng gần như không giảm giá. Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa cải thiện được là bao. Thị trường Việt Nam đang cần tới tác động mạnh từ diễn biến của thị trường toàn cầu, nhất là sự phục hồi của thị trường Trung Quốc ở nửa cuối năm, bắt đầu từ tháng 6.

Nguồn: giathepton.com

 

Bài viết gần đây