Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 21.11 - 25.11.2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu:

Mọi thứ gần như đóng băng khi không chỉ không có giao dịch mà thị trường gần như đã không có cả đơn chào mới. Phế nhập khẩu của Nhật vẫn tiếp tục giảm trước sức ép giảm từ Hàn Quốc và nội địa Nhật. Trong khi đà tăng phế tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa có tác động rõ ràng nào. Dự báo thị trường phế liệu nhập khẩu sẽ vẫn hoạt động yếu trong tuần tới và khoảng cách với phế nội tiếp tục nới rộng, dẫn tới nhiều rủi ro hơn ở nội địa.

Thị trường phế liệu nội địa:

Do phế khan vì thị trường nhập khẩu đóng băng cộng với việc giảm sâu trước đó dẫn tới giá đã tăng liên tục, tạo thành cuộc đua của các nhà máy và các bãi. Nhiều nhà máy đã tăng 2-3 lần ở tuần này, mức tăng thậm chí lên tới 1,000đ/kg. Giá các bãi phế cũng tăng đồng loạt. Đà tăng của phế nội địa đã tạm thời đẩy lùi các rủi ro sang một bên liên quan tới phế nhập khẩu giảm và tiêu thụ thép thành phẩm chậm. Tuy nhiên, thị trường vẫn có sự thận trọng nhất định. Ở tuần tới, giá khả năng còn tăng nhưng chậm hơn.

Thị trường phôi thép xuất khẩu:

Chào giá tuần này sôi động ở đầu tuần nhưng lại ít đơn chào ở cuối tuần, một phần vì thị trường Trung Quốc biến động. Giá chào nhìn chung dao động trong biên độ hẹp. Các nhà máy Việt Nam vẫn đang nỗ lực xuất khẩu để giảm áp lực cho thị trường nội địa.

Thị trường phôi thép nội địa:

Nhờ đà tăng tốt của phế liệu, thị trường phôi nội địa sôi động hơn, chào giá cũng tăng mạnh hơn và có nhiều giao dịch đã diễn ra. Nhiều khả năng giá phôi sẽ còn tăng thêm khi nhiều nhà máy thép xây dựng đang ưu tiên mua phôi do phế khan. 

Thị trường HRC nhập khẩu:

Giá kỳ hạn giảm nên chào giá giảm nhẹ ở đầu tuần rồi tăng dần ở cuối tuần sau khi nhận thấy sự tích cực trở lại tại Trung Quốc. Các đơn chào từ Nhật, Đài Loan cũng không còn nhiều như trước. Ấn Độ cũng chưa có nhiều thay đổi sau khi chính phủ nước này bỏ thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là người mua Việt Nam vẫn đang đứng ngoài thị trường do tiêu thụ nội địa yếu và khó khăn tài chính, tỷ giá.  

Thị trường HRC nội địa:

Sau khi Formosa giảm giá, tới lượt Hòa Phát cũng giảm gần 30 USD/tấn với HRC niêm yết tháng 11. Điều này cộng với thị trường kỳ hạn, thị trường chào giá giảm và sức mua yếu đối với thép ống, hộp, tôn…dẫn tới thị trường HRC nội địa hầu như đi ngang, không còn duy trì được đà tăng nhẹ và giao dịch cải thiện như tuần trước. Ở tuần tới, mọi thứ có thể cũng chưa thay đổi nhiều dù có nhiều tin tức tích cực để hy vọng.    

Thị trường thép xây dựng:

Thông báo tăng giá 200đ/kg của VAS vào 29/11 đang gây chú ý lớn khi phế liệu, phôi tăng giá. Các kỳ vọng về việc lặp lại 1 đợt tăng như cuối tháng 8, đầu tháng 9 đang xuất hiện dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.   

Thị trường thép ống, hộp:

Sau một tuần giảm sâu, thị trường đi ngang chờ chính sách bán hàng tháng 12 trong bối cảnh sức mua vẫn chậm và vẫn có một vài điều chỉnh giảm nhẹ.   

Thị trường tôn:

Sau khi các ông lớn giảm giá tuần trước, một vài thương hiệu nhỏ hơn đã giảm ở tuần này nhưng nhìn chung thị trường đã chuyển sang trạng thái chờ chính sách tháng 12 với dự báo giá sẽ giảm chậm lại.

Phế liệu nội địa trở thành điểm sáng cho toàn thị trường tuần này khi liên tiếp tăng, từ đó kéo giá phôi tăng và mang thêm hy vọng cho thép xây dựng. Tuy nhiên, thị trường lúc này có cả cơ hội và thách thức nên mức độ thận trọng vẫn khá cao và các bên hầu hết đều đang bám sát các diễn biến trong và ngoài nước để đưa ra các điều chỉnh. Tuần tới, thị trường khả năng sẽ lại biến động khi bước vào tháng 12 với nhiều kỳ vọng và mục tiêu lớn hơn.

Bài viết gần đây