Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 20.6- 24.6/2022)

Tuần này thị trường thép đã giảm đồng loạt từ nguyên liệu, bán thành phẩm tới thành phẩm. Sự lao dốc của thị trường Trung Quốc đã biến áp lực trở thành xu hướng giảm đồng loạt, nhất là khi tiêu thụ vẫn yếu. Ở tuần tới, thị trường vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm, thậm chí một số mặt hàng có thể còn giảm nhiều hơn như phế liệu, phôi nhưng cũng sẽ có những mặt hàng ổn định dần như HRC.

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Giá đã về mức 400 USD/tấn CFR và có thể còn giảm nhiều hơn nữa do phế liệu nhập khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ đã về mức 320 USD/tấn CFR. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm cả giá và nhu cầu. Ngoài ra, việc phôi toàn cầu suy giảm cũng khiến phế liệu đồng loạt giảm. Do đó, gây sức ép giảm nhiều hơn với thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà máy ngừng mua phế nội địa.

Thị trường phế liệu nội địa: Nhiều nhà máy đã giảm giá, thậm chí giảm 2 lần trong tuần này như TISCO, Shengli giảm tổng cộng 500đ/kg. Các nhà máy khác như VAS Đà Nẵng, thép miền Nam, Pomina 2 cũng đều giảm giá. Tuy nhiên, vấn đề chính của thị trường là nhiều nhà máy ngừng mua phế liệu. Ở phía Nam là Tuệ Minh và Anh Hưng Tường, ở phía Bắc là Shengli, chưa kể tới các doanh nghiệp, bãi phế khác. Giá mua phế của các bãi cũng đồng loạt giảm, áp lực ở tuần tới dự kiến còn tăng cao do phế toàn cầu vẫn lao dốc.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Phôi Đường Sơn sau khi giảm 200 NDT/tấn cuối tuần trước đã tiếp tục giảm 350 NDT/tấn đầu tuần này. Vì thế dù tăng nhẹ lại sau đó thì cũng đã tạo cú sốc với thị trường phôi toàn cầu. Giá phôi Nga giao dịch tại Trung Quốc đã giảm, áp sát mốc 500 USD/tấn CFR nên kéo giá phôi xuất khẩu của Việt Nam về dưới 600 USD/tấn CFR nhiều thị trường Đông Nam Á. Do phế liệu, thép xây dựng và phôi vẫn giảm giá nên phôi xuất khẩu cũng chịu thêm áp lực giảm.

Thị trường phôi thép nội địa: Giá phôi Đường Sơn giảm sâu đã khiến tâm lý thị trường phôi Việt Nam dao động mạnh. Điều này cộng với giá phế liệu giảm ở cả thị trường nhập khẩu và nội địa cũng như giá thép xây dựng giảm đã kéo giá phôi nội địa giảm nhiều hơn từ 400-600đ/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, thị trường ít giao dịch do tâm lý yếu. Vì thế, ở tuần tới, khả năng giá còn giảm nữa.    

      

Thị trường HRC nhập khẩu: Giá kỳ hạn lao dốc nhanh đã khiến giá chào nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh từ 50-70 USD/tấn. Bên cạnh đó, việc Hòa Phát giảm sâu hơn giá HRC, đưa về mức khoảng 700 USD/tấn CIF đã khiến cho thị trường nhập khẩu càng khó khăn hơn. Phía Ấn Độ cũng đã ngay lập tức giảm 30-40 USD/tấn nhưng thực tế chưa đủ sức để thuyết phục người mua Việt Nam trong bối cảnh tâm lý biến động và sức mua xuống thấp.

Thị trường HRC nội địa: Giá đã được điều chỉnh giảm nhiều hơn từ 500-1,000đ/kg nhưng giao dịch vẫn yếu do người mua kỳ vọng giá giảm nhiều hơn nữa. Ngoài thị trường kỳ hạn, giá nhập khẩu và giá nhà máy giảm, thị trường HRC nội địa còn chịu sức ép do các sản phẩm hạ nguồn như thép ống, hộp, tôn cũng đều giảm.

Thị trường thép xây dựng: Hòa Phát cùng nhiều nhà máy một lần nữa giảm 150đ/kg thép xây dựng. Tuy nhiên, thị trường không có xu hướng giảm đồng loạt khi trước đó thép miền Nam đã giảm 300đ/kg còn nhiều nhà máy chưa giảm. Tiêu thụ yếu cộng với giá phế liệu, phôi giảm sẽ còn gây nhiều khó khăn cho thị trường thép xây dựng trong thời gian tới.

Thị trường thép ống, hộp: Giá đã bắt đầu giảm đồng loạt và rõ hơn khi Hòa Phát công bố giá HRC mới. Một số nhà máy đang cố gắng giữ giá nhưng vẫn khó có thể tránh được do tiêu thụ yếu, áp lực tồn kho và quay vòng vốn tăng cao. Ở tuần tới, khả năng xu hướng giảm sẽ còn nhiều hơn trong tuần này.  

Thị trường tôn: Khi giá SAE 1006 về quanh mốc 700 USD/tấn CFR, các nhà máy đã bắt đầu giảm rõ hơn. Ngoài ra, tiêu thụ yếu ở cả nội địa và xuất khẩu cũng là một yếu tố khiến giá tôn có thể giảm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Bài viết gần đây