Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 19.12 - 23.12.2022)

Ở thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng cuối thường yếu, thị trường luân chuyển chủ yếu từ nhà máy tới kho thương nhân. Vì thế, giá và giao dịch sẽ biến động chậm lại, nhất là trong bối cảnh vấn đề tài chính, tín dụng chưa phục hồi. Tuy nhiên, nếu thị trường có các điều chỉnh tới từ các ông lớn như Hòa Phát với thép xây dựng và Hoa Sen với tôn nhiều khả năng vẫn sẽ có những thay đổi tích cực vì rõ ràng kỳ vọng phục hồi chưa lúc nào lớn như lúc này ở năm 2022.

Thị trường phế liệu nhập khẩu:

Giá chào tiếp tục tăng ở tuần này trong bối cảnh các thị trường mua là Hàn Quốc, Đài Loan tăng khá rõ trong khi thị trường bán là Nhật, Mỹ, EU cũng liên tiếp có điều chỉnh tăng. Giá phế phổ thông và phế cao cấp đều thiết lập mức chào mới, cao nhất sau nhiều tháng. Cộng với việc thị trường tiếp tục có giao dịch nên đà tăng nhập khẩu đã khiến đà giảm nội địa chậm lại.

Thị trường phế liệu nội địa:

Sau 1 tháng tăng liên tiếp, phế nội địa đã có dấu hiệu giảm nhẹ. Tuy nhiên, điều chỉnh giảm không đồng loạt và không giảm sâu, chỉ tập trung vào một số nhà máy phía Bắc. Phế liệu giảm một phần vì phôi giảm nhưng một phần khác vì lượng tích lũy nhiều nhà máy cơ bản đầy đủ. Dù vậy, phế nhập khẩu tăng đã khiến nhà máy phải thận trọng với điều chỉnh giảm giảm vì lo ngại khan phế trở lại trong giai đoạn tới.

Thị trường phôi thép xuất khẩu:

Chào giá tiếp tục tăng với nhiều lựa chọn cả với phôi IF và BF. Bất chấp thị trường toàn cầu vẫn trồi sụt, nhất là sau khi giá phôi Đường Sơn biến động các nhà máy Việt Nam vẫn đang tích cực hoạt động trên thị trường xuất khẩu với kỳ vọng sớm lấy lại vị thế xuất khẩu cho phôi sau 1 năm 2022 suy giảm mạnh.

Thị trường phôi thép nội địa:

Giá giảm nhiều hơn ở đầu tuần rồi chững lại ở cuối tuần. Việc giảm giá do thép xây dựng tăng chậm nên thị trường phôi phải thiết lập lại trạng thái khoảng cách giá hợp lý. Phôi giảm cũng khiến phế nội địa giảm nhẹ. Tuy nhiên, sau khi phế nội chững còn phế ngoại tăng, cộng với phôi xuất khẩu chào tăng, phôi nội địa có vẻ như cũng chuyển trạng thái ổn định dần.

Thị trường HRC nhập khẩu:

Giá kỳ hạn biến động mạnh, nhất là ở đầu tuần và cuối tuần đã ảnh hưởng ít nhiều tới giá chào. Dù vậy, niềm tin vào sự phục hồi của thị trường thép đầu năm 2023 đã giúp giá ổn định dần. Ngoài ra, việc Formosa và Hòa Phát tăng giá HRC niêm yết tháng 12 tuần trước cũng là một yếu tố để giá nhập khẩu không biến động lớn.

Thị trường HRC nội địa:

Sau khi tăng giá theo đà tăng của thị trường kỳ hạn tuần trước và đặc biệt là điều chỉnh tăng của Formosa và Hòa Phát, tuần này giá nội địa chịu nhiều áp lực giảm. Tuy nhiên, thương nhân HRC cơ bản quyết giữ giá để chờ các tín hiệu tích cực mới trong bối cảnh vốn không dễ dàng để thiết lập cột mốc giá mới.  

Thị trường thép xây dựng:

Hòa Phát đã tăng nhẹ giá thép xây dựng với cả thép cây và cuộn, một số nhà máy khác đã tăng theo. Tiêu thụ thép cũng có chuyển biến khá rõ so với tháng 11 và các kỳ vọng vào đợt tăng tiếp của Hòa Phát lại xuất hiện vì mức tăng của Hòa Phát vẫn thấp hơn hầu hết các nhà máy khác. Nếu tuần tới Hòa Phát tăng giá, phôi và phế liệu khả năng sẽ có chuyển biến.   

Thị trường thép ống, hộp:

Một số nhà máy đã điều chỉnh giá, tập trung nhiều ở phía Bắc. Tuy nhiên, thương nhân đã điều chỉnh giá linh hoạt hơn do sức mua chậm lại. Do đó, tin tức Hoa Sen cắt chiết khấu tháng và quý từ 25/12 đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một đợt điều chỉnh mới ở tuần cuối tháng 12.    

Thị trường tôn:

Khác với đà tăng ở các tuần trước, tuần này thị trường tôn không có các nhà máy tăng giá, khu vực thương nhân cơ bản cũng không có chuyển biến lớn. Mặc dù vậy, sau thông báo cắt chiết khấu của Hoa Sen, tuần tới khả năng có nhà máy tăng. Ngoài ra, các nhà máy tôn đang rất nỗ lực xuất khẩu để bù đắp cho các khó khăn về tiêu thụ ở nội địa.

Nguồn: GiaThepton.com

Bài viết gần đây