Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 11.4- 15.4/2022)

Ở tuần trước, tiêu thụ chậm đã kéo chậm lại các kế hoạch tăng giá của nhiều nhà máy. Còn ở tuần này, tồn kho tăng đã khiến giá nhiều mặt hàng giảm nhẹ hoặc có dấu hiệu giảm nhẹ. Việc giá tăng nóng trong tháng 3 đang khiến thị trường phải dần điều chỉnh trong tháng 4. Xu hướng giảm sẽ xuất hiện rõ hơn ở tuần tới nhưng cơ bản vẫn là giảm nhẹ. Các nhà máy đều tỏ ra thận trọng với việc giảm giá vì thực tế giá nguyên liệu, chi phí sản xuất vẫn ở mức cao.

 Thị trường phế liệu nhập khẩu: Ở tuần này, thị trường phế nhập khẩu vẫn duy trì mức ổn định cao ngay cả khi phiên đấu thầu Kanto tháng này tăng 28 USD/tấn so với tháng trước. Giá phế tại Nhật vẫn tăng nhưng ở nhiều nước lại đang giảm. Thị trường xuất hiện xu hướng giằng co. Giá không còn đi theo chiều hướng tăng duy nhất mà có nhiều diễn biến trái ngược. Người mua từ Việt Nam cũng đã tỏ ra thận trọng hơn với các giao dịch nhập khẩu.

Thị trường phế liệu nội địa: Đầu tuần một số nhà máy phía Nam tăng giá nhưng cuối tuần, giá đã giảm nhẹ. Xu hướng giảm chưa rõ rệt với các nhà máy lớn như các nhà máy nhỏ hơn, nhất là ở phía Bắc. Giá mua phế của các bãi cũng có dấu hiệu điều chỉnh giảm nhẹ. Do thép xây dựng vẫn ở mức cao nên việc phế biến động mạnh sẽ khó xảy ra nhưng áp lực giảm đang ngày càng lớn với thị trường phế, nhất là khi phôi cũng tiếp tục giảm nhẹ.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Đã có giao dịch phôi và các nhà máy vẫn rất tích cực chào giá. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu hiện vẫn rất khó khăn khi Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh nên ngay cả khi giảm giá xuất khẩu, khối lượng giao dịch không tăng nhiều. Do đó, giá tiếp tục có thể giảm nhẹ ở tuần tới, gây sức ép với thị trường nội địa cả với phế, phôi và thép xây dựng.    

Thị trường phôi thép nội địa: Thị trường vẫn kém sôi động, chào bán nhiều nhưng chào mua ít. Giá giảm nhẹ từ 100-200đ/kg do xuất khẩu chưa khởi sắc còn tiêu thụ thép xây dựng ở nội địa yếu. Lúc này, giá thép xây dựng và giá phế vẫn là 2 yếu tố chính để giúp phôi nội địa không giảm sâu. Tuy nhiên, áp lực giảm vẫn ngày càng gia tăng.   

Thị trường HRC nhập khẩu: Phía Ấn Độ vẫn ngừng chào nhưng không loại trừ sẽ quay lại ở cuối tháng sau khi giá HRC Ấn Độ giảm và nước này đã tìm lại các thị trường truyền thống như Tây Á. Giá HRC từ Trung Quốc tuần này vẫn biến động, xu hướng chào giá nhập khẩu nói chung giảm nhẹ từ 10-30 USD/tấn, ảnh hưởng tới giá của Formosa, Hòa Phát và khiến thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng giảm.

Thị trường HRC nội địa: Giá tiếp tục giảm nhẹ đồng loạt từ 100-200đ/kg, tương tự như tuần trước, sức mua vẫn khá yếu. Đáng chú ý giá HRC của Formosa chỉ tăng nhẹ ở tháng này với mức tăng 20 USD/tấn, thay vì 90-95 USD/tấn như các tháng trước. Với xu hướng này, thị trường nội địa sẽ còn chịu áp lực giảm nhẹ tiếp và giao dịch chưa thể phục hồi như kỳ vọng.

Thị trường thép xây dựng: Mặc dù VAS đã báo tăng nhưng Hòa Phát và các nhà máy khác đều chưa tăng. Yếu tố then chốt vẫn là tiêu thụ giảm. Sau 2 tuần, tiêu thụ thép xây dựng tháng 4/2022 có xu hướng giảm khá rõ so với tháng 3. Để gỡ khó cho thị trường nội địa, các nhà máy đã tăng cường xuất khẩu nhưng chưa như kỳ vọng. Giá thương nhân đi ngang và giảm nhẹ ở một số giao dịch cụ thể. Tuần tới, áp lực tiêu thụ sẽ còn lớn hơn.   

Thị trường thép ống, hộp: Giá đã tăng chậm lại khi chỉ có một số thương hiệu điều chỉnh. Trong tuần tới, sẽ có một số nhà máy tăng nhẹ. Xét trong cả tháng 4, xu hướng tăng giá của nhà máy sẽ giảm đáng kể, chỉ tăng 2 lần/tháng, thậm chí 1 lần/1 tháng.   

Nguồn: giathepton.com


Bài viết gần đây