Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 1.8- 6.8/2022

Kết thúc tháng 7, thị trường thép Việt Nam nhìn chung vẫn giảm nhưng các hy vọng phục hồi xuất hiện liên tiếp khi thị trường Trung Quốc tăng đều và ổn định hơn. Việc các nhà máy phía Bắc phá vòng vây, tăng giá mua phế nội địa trước nhiều áp lực bủa vây đã mang tới nhiều hy vọng cho thị trường phế liệu. Đối với HRC, giá chào tăng vọt đang khiến cho các dự báo giảm giá nội địa “biến mất”. Thay vào đó, chỉ là khi nào tăng, tăng nhiều hay ít. 

Nhìn chung, thị trường thép Việt Nam sẽ bước vào tháng 8 với hy vọng phục hồi lớn hơn bao giờ hết so với nhiều tháng qua.

 

Toàn cảnh thị trường Sắt thép Việt Nam từ 25/7-29/7: Hy vọng phục hồi

Thị trường phế liệu nhập khẩu

Giá vẫn giảm nhưng giảm nhẹ 10-15 USD/tấn và giao dịch tiếp tục tăng. Thị trường phế nhập khẩu trong ngắn hạn còn đối mặt với nguy cơ giảm. Người mua Việt Nam sẽ tích cực mua vào ở giai đoạn tới. Tuy nhiên, nhờ đà tăng ở Trung Quốc và tình trạng khan hàng cục bộ của nhiều nhà máy, phế nội địa đã không giảm, thậm chí nhiều nhà máy lớn phía Bắc đã tăng 300-400đ/kg ở cuối tuần này.   

Thị trường phế liệu nội địa

Xu hướng khan hàng cục bộ có vẻ “nghiêm trọng” hơn nên việc Shengli, Nghi Sơn, Hòa Phát tăng giá đã không còn quá bất ngờ cả khi phế nhập khẩu giảm, phôi giảm và thép xây dựng giảm. Sự cải thiện của thị trường Trung Quốc cũng hỗ trợ phần nào cho thị trường phế liệu nội địa Việt Nam lúc này. Hiện phế nội vẫn khan hàng và đang lan rộng nên có thể tuần tới, giá sẽ tăng nhẹ ở nhiều nơi. 

Thị trường phôi thép xuất khẩu

Thị trường tuần này không quá sôi động, giao dịch còn khó khăn nhưng chào giá có dấu hiệu cải thiện nhẹ sau khi giá phôi Đường Sơn tăng 80 NDT/tấn và thị trường Trung Quốc có nhiều ngày tăng đồng loạt. Nếu thị trường Trung Quốc phục hồi tốt, triển vọng khôi phục của phôi xuất khẩu Việt Nam sẽ được gia tăng đáng kể. 

Thị trường phôi thép nội địa

Xu hướng giảm mạnh xuất hiện ở đầu tuần, nhất là sau khi thép xây dựng giảm lần thứ 5 trong tháng 7. Tuy nhiên, khi một số nhà máy tăng giá mua phế và đặc biệt là giá thép tại Trung Quốc tăng, phôi nội địa đã đi ngang, thậm chí đơn chào tăng giá xuất hiện vào cuối tuần. Giao dịch phôi tuần này chưa khởi sắc nhiều nhưng ở tuần tới có thể sẽ khác.   

 Thị trường HRC nhập khẩu

Giá chào nhập khẩu đã tăng trở lại, thậm chí tăng mạnh ở cuối tuần khi SS400 tăng khoảng 70 USD/tấn so với giá chào thấp nhất ở tuần trước. Giá của Ấn Độ tăng chậm hơn nhưng khả năng tuần tới sẽ cải thiện rõ. Thị trường cũng có đơn chào từ Nga nhưng khó có thể chen chân vào thị trường Việt Nam lúc này.

Thị trường HRC nội địa

Xu hướng tăng đã xuất hiện dần trở lại bắt đầu từ việc doanh nghiệp nhỏ ngừng bán dưới giá của thị trường nói chung và sau đó là tăng 100-200đ/kg khi giá kỳ hạn và chào giá tăng. Các doanh nghiệp lớn có khả năng tăng ở tuần tới nếu thị trường Trung Quốc và thị trường nhập khẩu vẫn diễn biến tích cực.

 Thị trường thép xây dựng

Lần thứ 5 trong tháng 7, giá thép xây dựng giảm giá. Mức giảm lũy kế tháng 7 với thép cây là 700đ/kg, thép cây là 1,050đ/kg. Ở tháng 8, giá có khả năng giảm chậm lại hoặc mức giảm ít hơn khi thị trường toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc dần còn phế liệu và phôi cũng có triển vọng tăng trở lại.    

 Thị trường thép ống, hộp

Sau một tuần giảm sâu, thị trường đã giảm chậm lại. Nhiều thương hiệu không giảm khi đã hết tháng 7 và đang chờ chính sách giá mới của Hoa Sen ở tháng 8. Ngoài ra, việc HRC tăng giá cũng là một yếu tố làm chậm quá trình giảm của thị trường.

Thị trường tôn

Nhiều thương hiệu đã giảm ở tuần này. Giá thương nhân cũng biến động, nhiều lúc tồn tại nhiều loại giá với mức chênh lệch cao. Ở tuần tới, dự kiến sẽ có chính sách giá tháng 8 của Hoa Sen. Nhìn vào chính sách này, phần nào sẽ biết triển vọng thị trường tôn Việt Nam ở tháng 8.   

Nguồn tin: Giá Thép Tôn

Bài viết gần đây