Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 07.11 - 11.11.2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu:

Phiên đấu thầu phế liệu xuất khẩu Kanto tháng 11 đã thất bại do giá chào bán và chào mua chênh lệch quá lớn. Chào giá H2 vào Việt Nam đã giảm nhẹ 5 USD/tấn và khả năng giảm tiếp khi Tokyo Steel giảm giá nội địa Nhật và nhiều thị trường khác đều đang giảm. Dù phế nhập khẩu giảm nhưng sự quan tâm của người mua Việt Nam là không cao vì phế nội địa đang có ưu thế hơn, chưa kể vấn đề cắt giảm sản lượng của nhà máy thép và tiêu thụ thành phẩm chậm.  

Thị trường phế liệu nội địa:

Tuần này, phế nội địa đã tiếp tục chứng kiến hầu hết các nhà máy giảm giá từ 200-700đ/kg. Giá phế nhiều nhà máy phía Nam đã về dưới 7,000đ/kg với phế loại 1 trong khi phía Bắc giảm chậm hơn. Tuy nhiên, xét trên toàn thị trường, xu hướng giảm đã chậm lại ở cuối tuần này và việc Tuệ Minh mua phế trở lại bình thường từ đầu tuần tới với mức giá tương đối cao so với mặt bằng nhà máy phía Nam đang mang tới nhiều hy vọng phục hồi cho thị trường.   

Thị trường phôi thép xuất khẩu:

Tuần này không có nhiều đơn chào và giao dịch như trước nhưng giá cơ bản nhích lên sau khi giá tại Trung Quốc tăng. Chào giá từ Việt Nam đi các thị trường Đông Nam Á tăng từ 5-10 USD/tấn. Ngoài ra là các đơn chào đi châu Âu. Người bán vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu khi thị trường nội địa hoạt động yếu và có thể sẽ tích cực hơn nữa vào tuần tới khi thị trường Trung Quốc hứa hẹn phục hồi mạnh hơn.

Thị trường phôi thép nội địa:

Giá biến động trong tuần ở phạm vi hẹp khi nhu cầu tăng nhẹ nhưng không bền vững. Các áp lực từ phế liệu và thép xây dựng cũng là lý do khiến phôi vẫn dao động ở tuần này và có khả năng còn diễn biến tương tự ở tuần tới dù phế liệu đang có dấu hiệu cải thiện nhẹ.

Thị trường HRC nhập khẩu:

Giá kỳ hạn tăng vọt vào cuối tuần nhờ các tin tức vĩ mô tích cực đã kéo giá chào nhích dần lên với cả SS400 và SAE 1006. Thị trường cũng có nhiều lựa chọn về giá hơn do có nhiều đơn chào. Tuy nhiên, người mua vẫn thận trọng và chờ đợi xu hướng rõ ràng cũng như chờ giá HRC của Formosa công bố dự kiến 15/11.

Thị trường HRC nội địa:

Thị trường nội địa cơ bản đi ngang dù ở cuối tuần này có một số doanh nghiệp lớn điều chỉnh nhẹ. Phần lớn các bên đều chờ các điều chỉnh rõ hơn với thị trường Trung Quốc, giá của Formosa và cả sự cải thiện về sức mua nội địa.

Thị trường thép xây dựng:

Vẫn tiếp tục một tuần giữ giá đi ngang từ nhà máy. Rõ ràng các nhà máy đang muốn dùng biện pháp giảm sản lượng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, số liệu tiêu thụ sơ bộ 10 ngày đầu của tháng 11 vẫn chưa như kỳ vọng, cho thấy thị trường còn khó khăn.

Thị trường thép ống, hộp:

Sau một loạt điều chỉnh, tuần này chỉ có SENDO tung ra các chính sách mới và 1 số nhà máy giảm nhẹ. Đa phần các nhà máy giữ trạng thái quan sát và thương nhân cũng ít điều chỉnh để chờ xu hướng giá HRC và tình hình tiêu thụ. Nhiều khả năng tuần tới sẽ có loạt điều chỉnh mới.

Thị trường tôn:

Không có điều chỉnh đồng loạt như tuần trước được đưa ra nhưng thị trường vẫn có những điều chỉnh nhỏ. Sức ép với tiêu thụ tôn vẫn rất cao khi thị trường xuất khẩu tiếp tục chậm cải thiện. Giá tôn nội địa khả năng sẽ còn chịu thêm nhiều áp lực trong giai đoạn tới.

Thị trường thép Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần khó khăn nữa ở hầu hết các mặt hàng. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu được cải thiện dần, đặc biệt là với phế liệu. Đối với các mặt hàng khác, giá hầu hết được giữ đi ngang, ít điều chỉnh. Trong trường hợp thị trường Trung Quốc phục hồi trở lại nhờ việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chống dịch, khả năng thị trường Việt Nam cũng sẽ đón nhận các tác động tích cực. Dù vậy, điểm mấu chốt với thị trường thép Việt Nam lúc này vẫn là tín dụng và sức mua.

Nguồn: GiaThepton.com

Bài viết gần đây