Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 06.03 - 10.03.2023)

Thị trường Trung Quốc tuần này mặc dù biến động, nhưng lại hồi phục khá nhanh, hỗ trợ ít nhiều đến tâm lý trên thị trường Việt Nam. Đồng thời thị trường thép tuần này dường như có sự khởi sắc hơn khi phôi và các mặt hàng thép thành phẩm tăng giá. Mặc dù vậy, tiêu thụ yếu vẫn là thách thức lớn nhất trên thị trường, chưa kể thị trường phế liệu tuần này khá khó lường. Do đó, có khả năng thị trường ở tuần tới sẽ tiếp tục biến động, nhưng vẫn mang theo kỳ vọng phục hồi.

Thị trường phế liệu nhập khẩu:

Tâm điểm của tuần này là phiên đầu thầu Kanto tháng 3 kết thúc thành công với mức giá tăng so với tháng 2/2023. Do đó, chào chào giá phế H2 của Nhật tới Việt Nam tăng lên mức 444-460 USD/tấn CFR. Giá chào của các thị trường khác có thể sẽ sớm tăng. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường vẫn không có nhiều cải thiện.     

Thị trường phế liệu nội địa:

Giá phế liệu nội địa tuần này khá biến động. Đầu tuần có Thép Miền Nam tăng 400đ/kg, cuối tuần lại có Hòa Phát, Tuệ Minh, Nghi Sơn giảm nhẹ 100-200đ/kg, giá của thương nhân cũng giảm nhẹ 100-200đ/kg. Việc các nhà máy giảm nhẹ chỉ được cho là điều chỉnh tạm thời.  

Thị trường phôi thép xuất khẩu:

Trước sự suy yếu của thị trường Đông Nam Á, giá chào phôi BF của Việt Nam đã giảm nhẹ, nhưng đến cuối tuần lại tăng thêm 15 USD/tấn, lên mức 635 USD/tấn CFR Philippines, trước xu hướng tăng của thị trường phôi toàn cầu, nhất là phôi Đường Sơn.

Thị trường phôi thép nội địa:

Cầu phôi ở tuần này bắt đầu cải thiện, đồng thời hỗ trợ cho giá phôi tăng. Tuy nhiên, mức tăng của phôi lại nhẹ, từ 100-200đ/kg, tương đương với 0.71%. Triển vọng tăng của phôi vẫn lớn bởi nhu cầu vẫn đang cải thiện.

Thị trường HRC nhập khẩu:

Giá kỳ hạn của Trung Quốc tuần này biến động nhẹ, nhưng vẫn tăng là chủ yếu, giá chào HRC tới Việt Nam tiếp tục biến động theo xu hướng này, và chạm mốc 710-720 USD/tấn CFR đối với SAE 1006. Mức chào giá của Nhật Bản về Việt Nam được dự kiến trong khoảng 750-760 USD/tấn CFR. Đồng thời thị trường ở tuần này cũng ghi nhận giao dịch.

Thị trường HRC nội địa:

So với tuần trước, tuần này giá HRC tăng nhẹ 0.3%, nhưng tăng không đồng đều và chỉ tăng với một số mác thép cụ thể. Nguyên nhân chính vẫn là do sức mua yếu.

Thị trường thép xây dựng xuất khẩu:

Ở tuần này, thị trường thép xây dựng thế giới, nhất là Đông Nam Á vẫn không cho thấy sự cải thiện, kể cả thị Trung Quốc tăng giá. Do đó, người bán Việt Nam tiếp tục không đưa ra mức giá chào thép cây xuất khẩu mới.

Thị trường thép xây dựng nội địa:

Đầu tuần này, Hòa Phát tăng 200đ/kg với thép cây ở khu vực miền Nam. Đến giữa tuần có thêm Thép Miền Nam tăng 200đ/kg với cả thép cuộn và thép cây. Dù vậy, do tiêu thụ ở tháng 2 yếu và cải thiện khá chậm ở tháng 3 nên các nhà máy khác và thương nhân tiếp tục giữ giá cũ.

Thị trường thép ống, hộp:

Thị trường thép ống, hộp vẫn giữ được đà tăng khi Hoa Sen, Hòa Phát Bình Dương tăng giá thêm 200đ/kg. Giá của thương nhân theo đó cũng tăng nhẹ 0.2%, và hầu hết giữ giá đi ngang ở cuối tuần do cầu yếu.   

Thị trường tôn:

Các nhà máy vẫn tăng giá tôn thêm 200-300đ/kg ở tuần này, nhưng số lượng nhà máy tăng ít hơn và mức tăng ít hơn. Trong tuần này, các thương nhân chạy các chương trình khuyến mãi 8/3 với hy vọng sức mua cải thiện nên gần như không điều chỉnh giá theo nhà máy.

Nguồn tin: Giá thép tôn

Bài viết gần đây