Thông Tin Thị Trường Thép Tuần Vừa Qua 20/5-24/5/2024

Giá thép xây dựng tuần 20/5-24/5/2024

Về cơ bản là ổn định, nhưng tâm lý thị trường đang yếu hơn khi xuất hiện các thông tin về việc nhà máy trợ giá và giá phôi giảm nhẹ.

Đầu tuần trước, thị trường thép xây dựng ghi nhận đợt tăng thép cuộn thứ 2 của một số nhà máy, riêng Việt Đức là lần tăng thứ 3. Mức tăng vẫn là 100đ/kg, giống với các đợt tăng trước. Giá thép cây về cơ bản vẫn chưa có điều chỉnh nào mới. Sau lần tăng này, các nhà máy giữ giá ổn định cho đến hết tuần này.

Đáng chú ý, ở đầu tuần này, thị trường xuất hiện tin tức nhà máy trợ nhà trợ giá với thép xây dựng, dao động từ 50-150đ/kg, tùy nhà máy. Động thái này cho thấy các nhà máy đang khá thận trọng trong việc điều chỉnh giá, đồng thời giá có thể sẽ khó tăng trong ngắn hạn dù tiêu thụ vẫn tích cực. Thực tế nhu cầu ở phía người dùng cuối còn khá yếu. Vì thế tồn kho trên thị trường ở mức khá cao, cũng là một nguyên nhân khiến nhà máy và thương nhân thận trọng điều chỉnh giá tăng.

Số liệu sơ bộ về sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của 10 nhà máy lớn tại miền Bắc từ ngày 1-19/5/2024 cho thấy tổng sản lượng ước tính khoảng 406,100 tấn. Trong đó, vị trí số 1 thuộc về Hòa Phát với khoảng 240,000 tấn, ở vị trí thứ 2 là Tisco với khoảng 45,000 tấn, thứ 3 là Việt Đức (VGS) với 32,000 tấn. Tiêu thụ trong 19 ngày đầu tháng 5/2024 khá tương đương với cùng kỳ tháng 4/2024, nhưng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng 5/2023.

Ở một khía cạnh khác, giá phôi và phế liệu ít biến động trong tuần này, nhưng tâm lý thị trường không quá tốt. Đối với phế liệu, các nhà máy lớn hầu như điều chỉnh giảm ở cuối tuần trước, đến cuối tuần này có thêm Shengli điều chỉnh giảm 100đ/kg. Một số nhà máy nhỏ khác cũng hạ cả giá phế và giá phôi. Do đó, giá phôi ở cuối tuần này cũng giảm nhẹ 50-100đ/kg, nhưng giao dịch lại có sự cải thiện nhẹ khi nhiều nhà máy đang nhập hàng để sản xuất. Dù vậy, khả năng giá phôi tăng tiếp là không cao.

Nhìn chung, với tình hình hiện tại, kỳ vọng tăng giá trên thị trường đã giảm bớt. Theo nhiều thương nhân dự đoán, khả năng các nhà máy có thể tiếp tục trợ giá nhằm giữ giá ổn định trong bối cảnh áp lực từ phía cầu có dấu hiệu tăng trở lại.  

Toàn cảnh thị trường Sắt thép Việt Nam tuần 21/2024 (20/5-24/5):

Thị trường phế liệu nhập khẩu:

Khác với những tuần trước, thị trường phế nhập khẩu ở tuần này yếu dần. Lượng đơn chào ít hơn, giao dịch cũng ít xuất hiện, khiến sức ép giảm lên giá cao hơn.

Thị trường phế liệu nội địa:

Thị trường phế liệu nội địa hầu như ổn định nửa đầu tuần, đến cuối tuần ghi nhận thông tin Shengli, Thép Đà Năng và Thép ASEAN giảm giá phế liệu. Thương nhân vẫn giữ giá đi ngang.

Thị trường phôi thép xuất nhập khẩu:

Cầu yếu khiến thị trường phôi Đông Nam Á khó khởi sắc, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu Việt Nam. Thông tin về các giao dịch xuất hiện, nhưng hầu như giá đều ở mức thấp, dù giá chào bán tăng nhẹ.

Thị trường phôi thép nội địa:

Ở cuối tuần, các nhà máy có dấu hiệu gom phôi nên thị trường dần ghi nhận một số tin tức về giao dịch thành công. Tuy nhiên, mức giá giao dịch thấp nên người bán ở cuối tuần đã hạ nhẹ giá chào bán sau khi giữ ổn định ở những ngày trước đó.

Thị trường HRC nhập khẩu:

Ảnh hưởng bởi thị trường kỳ hạn biến động mạnh, giá chào HRC từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng biến động khá mạnh. Các đơn chào từ Nhật bản và ẤN Độ cũng có, nhưng không nhiều.   

Thị trường HRC nội địa:

Tâm điểm là Formosa Hà Tĩnh giảm giá bổ sung với HRC, nhưng áp dụng cụ thể theo đơn hàng. Tin tức này cộng với đà tăng ở hạ nguồn chậm lại, khiến giá HRC nội địa chưa thể điều chỉnh dù giá kỳ hạn tăng mạnh.

Thị trường thép xây dựng xuất khẩu:

Cả thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á đều tăng ở tuần này, nhưng nhu cầu không nhiều cải thiện. Giá chào thép cây xuất khẩu của Việt Nam vì thế gần như đi ngang.

Thị trường thép xây dựng nội địa:

Tiêu thụ thép xây dựng vẫn cho thấy sự tích cực, nhưng các thảo luận về tăng giá dần giảm bớt, khi có thông tin các nhà máy hỗ trợ thép xây dựng trong tuần này.  

Thị trường thép ống, hộp:

Vẫn có một số nhà máy thông báo tăng giá, thậm chí là tăng ở đầu tháng 6. Tuy nhiên, do cầu yếu và giá HRC đi ngang, thương nhân về cơ bản giữ giá ổn định.

Thị trường tôn:

Giống với thép ống, hộp, thị trường tôn vẫn nhận được thông báo tăng giá từ một số nhà máy nhưng số lượng ít, thậm chí có nhà máy gia hạn thời gian tăng giá. Tâm lý thị trường yếu hơn, thương nhân cũng giữ giá tôn ổn định.

Cầu yếu hiện vẫn là nút thắt trên thị trường, khiến các kỳ vọng giá cải thiện đang dần giảm bớt. Giá thép thành phẩm không tăng hoặc tăng chậm, ngược lại giá nguyên liệu và bán thành phẩm đi ngang hoặc giảm nhẹ. Việc điều chỉnh giá ngày càng thận trọng hơn. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu ghi nhận một số giao dịch thành công, nên có thể người bán Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.  

Bài viết gần đây