Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 18/10- 22/10/2021)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Trong tuần này, người mua từ Việt Nam đã mua khoảng 15 nghìn tấn phế liệu. Giá các loại phế liệu khác giao dịch thành công trong tuần này đa số đều trên 500 USD/tấn CFR. Thị trường phế nhập khẩu dự kiến vẫn sẽ tăng ở tuần tới trong bối cảnh cơn sốt phế liệu toàn cầu chưa hạ nhiệt dù thị trường thép Trung Quốc lao dốc. Phế nhập khẩu tăng giá là yếu tố quan trọng để giữ giá phế nội địa ổn định khi sức ép với phôi gia tăng.

Thị trường phế liệu nội địa: Ở tuần này, ngoài TISCO, còn có Pomina, POSCO, thép miền Nam tăng giá. Mức tăng từ 150-200đ/kg. Các bãi phế liệu, doanh nghiệp phế liệu cũng tăng trung bình từ 200-300đ/kg ở nhiều nơi. So với tuần trước, giá mua phế trung bình của các bãi tăng thêm khoảng 1,2%. Chênh lệch giá phế giữa miền Bắc với các khu vực khác vẫn ở mức 1,000-1,500đ/kg tùy loại dẫn tới việc gom phế chuyển ra Bắc diễn ra sôi động và việc miền Bắc tăng giá cũng tác động tới giá ở các khu vực khác. Vấn đề hiện tại của thị trường phế ở tuần tới chính là phôi có thể giảm giá. Nếu phôi giảm, rủi ro với giá phế nội địa sẽ tăng.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Tuần này, thị trường Trung Quốc lao dốc mạnh nên giá phôi Đường Sơn đã tuột khỏi mốc 5000 NDT/tấn kể từ 30/8. Điều này đã khiến thị trường phôi xuất khẩu của Việt Nam gần như tê liệt. Một số nhà máy chuyển hướng sang các thị trường khác nhưng giá chào đã giảm khá nhiều. Đối với thị trường Trung Quốc, trong tuần tới giá khó có thể phục hồi trở lại. Vì thế, thị trường phôi xuất khẩu sẽ còn nhiều khó khăn. Nhà máy từ Việt Nam có thể sẽ phải lựa chọn phương án ngưng xuất khẩu để quan sát thêm các diễn biến thị trường.

Thị trường phôi thép nội địa: Sau khi đi ngang ở tuần trước, giá phôi tiếp tục đi ngang trong tuần này, thậm chí tới cuối tuần có xu hướng giảm. Nếu so với tuần trước, phôi vẫn nhích nhẹ, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ giảm giá ở tuần tới sẽ rất lớn. Trong tuần này, thị trường cũng ít giao dịch, các bên tỏ ra thận trọng do thị trường xuất khẩu đi xuống còn phế liệu vẫn tăng. Lúc này, mọi hy vọng đổ dồn vào khả năng thép xây dựng tăng giá đồng loạt lần 3 trong tháng 10.

Thị trường HRC nhập khẩu: Sau khi cả Formosa và Hòa Phát công bố giá HRC tháng 12, các đơn chào HRC đã nhiều hơn, chủ yếu là cháo giá từ Trung Quốc và Ấn Độ. Giá HRC của Trung Quốc có xu hướng chào tăng nhưng người bán chịu mọi rủi ro nếu bị áp thuế xuất khẩu. Giá HRC Ấn Độ thì ngược lại, tăng ở đầu tuần nhưng giảm ở cuối tuần bất chấp các nhà máy Ấn Độ đều tăng giá HRC nội địa. Những diễn biến này cho thấy, thị trường HRC Việt Nam đang chưa trở lại như kỳ vọng.

Thị trường HRC nội địa: Tiêu thụ chậm, sức mua yếu và giá mới của Formosa, Hòa Phát thấp là những yếu tố khiến HRC nội địa cơ bản đi ngang cả tuần 42 dù thép hộp, tôn đã tăng giá. Các doanh nghiệp HRC, nhất là ở khu vực phía Nam thậm chí còn phải mở rộng thị trường ra Bắc để cải thiện tình hình tiêu thụ. Kỳ vọng thị trường sôi động có thể chỉ diễn ra trong tháng 11.

Thị trường thép xây dựng: Trong tuần 42, thép xây dựng tăng giá đồng loạt sau khi Hòa Phát và một loạt các nhà máy khác đã tăng giá. Giá bán ra của các nhà phân phối, đại lý trong tuần này đã tăng trung bình gần 2% so với tuần 41. Kỳ vọng về đợt tăng giá đồng loạt của thị trường thép xây dựng tuần 3 đang lên cao sau khi Vina Kyoei và thép miền Nam đã chính thức tăng giá. Nếu thép xây dựng tăng đồng loạt, nhiều nút thắt trên thị trường thép có thể được tháo gỡ, nhất là với giá phôi.

Thị trường thép ống, hộp: Tuần này, khu vực thị trường miền Nam tăng nhiều hơn sau khi giá ống, hộp của Hoa Sen, Nam Kim, Đông Á, Phát miền Nam, Ánh Hòa đều tăng giá. So với tuần trước, giá thép ống, hộp tăng trung bình khoảng 0,5%. Hiện còn một số các nhà máy khác ở miền Nam chưa báo tăng nhưng nhiều đại lý cũng đã chủ động điều chỉnh tăng theo từng đơn hàng cụ thể. Tiêu thụ sau khi điều chỉnh giá có dấu hiệu cải thiện. Ở tuần tới, nhiều khả năng một số các nhà máy còn lại cũng sẽ chính thức tăng.

Những khó khăn của thị trường thép chưa qua đi, nhất là với HRC và phôi nhưng sức mua, tâm lý thị trường được cải thiện từng ngày. Do đó, giai đoạn khó khăn của thị trường thép Việt Nam có thể sẽ kết thúc ở tuần cuối tháng 10 và sau đó là sự phục hồi mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm.

Bài viết gần đây