Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 15.11- 19.11/2021)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Trái ngược với tuần trước, thị trường phế liệu nhập khẩu tuần này sôi động khi có khoảng 28 nghìn tấn phế các loại từ phổ thông tới cao cấp được giao dịch thành công. Đáng chú ý, giá H2 sau khi giảm đang quay đầu tăng. Người mua từ Việt Nam vì thế chọn các loại phế khác thay thế cho H2. Ở tuần tới, thị trường phế nhập khẩu sẽ còn biến động nhưng các đơn chào giá thấp từ 450-470 USD/tấn CFR nhiều khả năng sẽ được ưu tiên nhiều hơn.

Thị trường phế liệu nội địa: Thị trường miền Bắc vẫn giảm nhưng nhiều khu vực khác giảm sâu hơn, nhất là ở Tây Nguyên. Phế liệu ở miền Nam cũng giảm khá nhanh trong tuần này. So với tuần trước, giá phế giảm sâu hơn, đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở tuần này, trực tiếp gây sức ép lên thị trường phôi.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Giá phôi Đường Sơn sau giảm sốc ở đầu tuần đã tăng nhẹ và ổn định ở cuối tuần mang theo hy vọng mong manh về sự phục hồi ở tuần tới. Còn ở tuần này, thị trường xuất khẩu phôi vẫn đóng băng, chào giá có xu hướng giảm ở giữa tuần và tăng lên ở cuối tuần. Dù vậy, mức giá chào 660 USD/tấn FOB là không khả thi ở thời điểm này.  

Thị trường phôi thép nội địa: Việc thép xây dựng giảm giảm mạnh đã ảnh hưởng tới tâm lý giao dịch của thị trường. Do đó, phôi trung tần tuần này chỉ giảm từ 300-400đ/kg do thị trường không có nhiều giao dịch. Nếu phế liệu vẫn giảm còn tiêu thụ thép xây dựng không được cải thiện, áp lực phôi ở tuần này sẽ rất lớn.

Thị trường HRC nhập khẩu: Các nhà máy Ấn Độ và Nga gần như không chào giá ở tuần này trong khi giá chào SS400 từ Trung Quốc đã về dưới mốc 800 USD/tấn CFR, giảm 10-20 USD/tấn so với tuần trước. Dù vậy, người mua từ Việt Nam đang chỉ muốn mua với giá 750 USD/tấn CFR. Do đó, giao dịch HRC rất hạn chế, đặc biệt khi giá kỳ hạn Trung Quốc vẫn biến động mạnh.

Thị trường HRC nội địa: Sau khi Formosa giảm giá, ở tuần này, giá HRC mới của Hòa Phát cũng giảm từ 40-50 USD/tấn. Việc cả Formosa, Hòa Phát cùng giảm cũng như các diễn biến khó lường trên thị trường kỳ hạn đã khiến tiêu thụ HRC nội địa tuần này chậm hơn dù giá cũng vẫn được điều chỉnh giảm từ 200-300đ/kg tùy mác thép và thị trường. Ở tuần tới, xu hướng giá và tiêu thụ sẽ không thay đổi nhiều.

Thị trường thép xây dựng: Các nhà máy thép xây dựng đã đồng loạt giảm giá trong tuần này, mức giảm khoảng 300đ/kg cả thép cây và thép cuộn. Các doanh nghiệp thương mại giảm sâu hơn, từ 500-700đ/kg. Sau khi giảm, một số nhà máy cũng trợ giá thép xây dựng trước áp lực tiêu thụ tăng còn giá phôi và phế liệu vẫn giảm.

Thị trường thép ống, hộp: Giá ít biến động trong tuần nhưng lại đồng loạt giảm ở cuối tuần, phần lớn do ảnh hưởng từ việc giá HRC duy trì ở mức thấp và thậm chí vẫn giảm. Ngoài ra, tiêu thụ chậm ở giai đoạn cuối năm cũng là một yếu tố khiến giá giảm thêm.  

Thị trường tôn: Áp lực với tôn gia tăng nhưng giá không điều chỉnh giảm nhiều như với các loại thép khác. Càng về cuối năm, thị trường nội địa càng đóng vai trò then chốt trong tiêu thụ của các nhà máy tôn. Điều này có nghĩa, ở giai đoạn tới, thị trường tôn nội địa sẽ diễn biến sôi động hơn nhiều.

Tuần qua đã kết thúc với xu hướng giảm bao trùm. Tuy nhiên, đà giảm chưa có dấu hiệu dừng lại khi tâm lý trên thị trường kém ổn định và xuống thấp. Do đó, ở tuần này, khó khăn chưa thể đi qua, nhất là với phế liệu, phôi, thép xây dựng và HRC. Càng về cuối năm, sức ép tiêu thụ càng tăng. Vì thế, giá sẽ càng có xu hướng biến động, nhất là trong bối cảnh chưa thể xác định thị trường Trung Quốc đã chạm đáy hay chưa?

Bài viết gần đây