Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 11.7- 15.7/2022)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Phiên đấu thầu Kanto tháng này kết thúc với mức giảm trên 60 USD/tấn so với tháng trước nhưng nhờ phế Mỹ vẫn nhích nhẹ nên H2 của Nhật chỉ giảm nhẹ. Giao dịch phế nhập khẩu tuần này khá sôi động khi có nhiều đơn hàng phế phổ thông thành công. Dù vẫn còn có hy vọng tăng nhẹ nhưng với xu hướng chung toàn cầu, triển vọng phế nhập khẩu tăng là rất mong manh.

Thị trường phế liệu nội địa: Nhìn chung thị trường tuần này tăng giá từ nhà máy tới bãi phế. Tuy nhiên, đáng tiếc khi ở cuối tuần, giá bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm với điều chỉnh từ Shengli và An Khánh cũng như việc Đại Việt ngừng mua phế để bảo trì. Lo ngại một đợt giảm giá mới là có cơ sở khi phôi Đường Sơn giảm kỷ lục, đồng thời phế liệu và các mặt hàng thép ở Trung Quốc cũng giảm rất sâu ở tuần này.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Không có quá nhiều đề nghị được đưa ra khi thị trường phôi Trung Quốc giảm rất sâu khiến giá chào ở Đông Nam Á cũng giảm theo. Người bán Việt Nam đã giảm từ 20-30 USD/tấn với các đơn chào nhưng vẫn chịu cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước khác và chưa có giao dịch mới ở tuần này. Ở tuần tới, giá có thể còn giảm tiếp.  

Thị trường phôi thép nội địa: Có rất ít giao dịch mới lúc này. Các nhà máy cũng ít tham gia các giao dịch, phần nhiều là luân chuyển giữa các thương nhân. Do thép xây dựng giảm và phôi xuất khẩu giảm, giá phôi nội địa đã giảm tiếp ở tuần này, nhất là cuối tuần. Ở tuần tới, các diễn biến khả năng vẫn không khác nhiều so với tuần này.

Thị trường HRC nhập khẩu: Trước đà lao dốc của thị trường kỳ hạn, chào giá HRC tuần này vừa thiếu lại vừa yếu. Giá chào SS400, Q195 đã giảm từ 30-40 USD/tấn so với tuần trước trong khi SAE 1006 cũng giảm từ 10-20 USD/tấn. Việc Formosa giảm 100 USD/tấn cũng gây thêm khó khăn cho giá nhập khẩu. Ở tuần 29, Hòa Phát có thể sẽ công bố giá mới và sẽ khiến sức ép ở thị trường nhập khẩu càng gia tăng.   

Thị trường HRC nội địa: Sau khi Formosa giảm sâu giá chính thức, thị trường HRC nội địa cũng có 1-2 điều chỉnh giảm với các doanh nghiệp lớn và nhiều lần hơn với doanh nghiệp nhỏ. Nhưng giá giảm chưa tương ứng với tiêu thụ tăng khi người mua phần lớn vẫn dành sự thận trọng tối đa trước biến động từ thị trường Trùng Quốc.  

Thị trường thép xây dựng: Một đợt giảm mới đã được áp dụng và là lần giảm thứ 3 trong tháng 7 của Hòa Phát và hầu hết các nhà máy. Tiêu thụ thép xây dựng tháng 5 lần đầu xuống dưới 1 triệu tấn/tháng. Ở tháng 6, con số này tiếp tục giảm và xu hướng này vẫn chưa dừng lại trong tháng 7 dù giá thép xây dựng đã liên tiếp phải điều chỉnh.  

Thị trường thép ống, hộp: Một đợt giảm mới đã hình thành nhưng chưa mang tính đồng loạt dù có sự tham gia của Hòa Phát hay Việt Đức ở phía Bắc và Sendo ở phía Nam. Nhìn chung, thị trường tạm đi ngang nhưng là để chuẩn bị cho các điều chỉnh trên diện rộng ở tuần tới.

Thị trường tôn: Tương tự như thép ống, hộp, sức ép từ nhiều phía đang bủa vây thị trường tôn. Và ở tuần này đã có một số nhà máy nhỏ giảm giá nhưng thị trường đang chờ các ông lớn, nhất là khi xuất khẩu của nhiều nhà máy có vẻ cũng đã chậm lại.  

Hai sự kiện đáng chú ý ở tuần này đều đã kết thúc theo cùng một kịch bản là giảm sâu. Ở Nhật Bản, phiên đấu thầu phế liệu Kanto xuất khẩu định kỳ tháng 7 đã giảm hơn 60 USD/tấn so với tháng trước còn ở Việt Nam, Formosa giảm 100 USD/tấn giá HRC niêm yết chính thức tháng 7 so với tháng 6. Ngoài ra, cộng thêm đợt lao dốc toàn diện của thị trường Trung Quốc và sự vắng bóng của Thổ Nhĩ Kỳ do nghỉ lễ đã khiến thị trường thép Việt Nam trải qua một tuần khó khăn nữa. Thị trường vẫn tiếp tục đi tìm đáy và vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi.

Nguồn: GiaThepton.com

Bài viết gần đây