Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 26/7- 30/7/2021)

  1. Thị trường phế liệu nội địa: Tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới thị trường trên cả nước, phế liệu tiếp tục khan hàng trong tuần 30/2021. TISCO thông báo tăng giá phế liệu lên thêm 200đ/kg. Ở các khu vực trọng điểm phế liệu khác tại miền Bắc, phế cũng có xu hướng nhích nhẹ hoặc đang chờ tăng. Trong khi đó, thị trường phế liệu ở miền Nam vô cùng trầm lắng  khi dịch bệnh khó lường và phạm vi giãn cách được mở rộng.
  2. Thị trường phế liệu nhập khẩu: Nhiều doanh nghiệp cũng chuyển hướng nhập khẩu thép phế liệu. Cuối tuần trước và tuần này đã có khá nhiều các đơn hàng phế nhập khẩu vào Việt Nam được giao dịch thành công. Trong số này chủ yếu là phế liệu từ Mỹ, Úc, Hồng Kông…Mức giá phổ biến từ 460-470 USD/tấn CFR. Chào giá H2 hiện dao động ở mức cao, từ 480-505 USD/tấn CFR ở tuần này.
  3. Thị trường HRC nhập khẩu: Các chào giá xuất khẩu HRC của Trung Quốc vắng bóng trong tuần này. Thị trường chào nhập HRC của Việt Nam trong tuần qua trở thành “sân chơi” của Ấn Độ và Nga do giá chào của Nhật và Hàn Quốc cao. Nga chào giá dao động 890 USD/tấn CFR ổn định trong cả tuần. Phía người bán Ấn Độ cũng tích cực chào giá SS400 tại  mức 915 USD/tấn CFR, Ấn Độ cũng chào giá A572, SAE 1006 với giá cạnh tranh.
  4. Thị trường HRC nội địa:. Đà tăng của thị trường kỳ hạn Trung Quốc, cộng với tâm lý trên thị trường trong nước khiến giá điều chỉnh tăng sau một thời gian dài đi ngang. Thêm nữa, sự tháo gỡ các khó khăn về vận tải hàng hóa với thép cũng là một tác nhân quan trọng. Do đó, giá HRC nội địa trong ngày 30/7 có xu hướng tăng giá từ 100-500đ/kg tùy loại.
  5. Thị trường phôi thép xuất khẩu: Giá xuất khẩu phôi vẫn ở mức cao, hơn nữa thị trường xuất khẩu thép xây dựng và tôn cũng đang có triển vọng lạc quan. Chào giá phôi của Việt Nam đi các thị trường Đông Nam Á khoảng 710 USD/tấn CFR, đối với thị trường Trung Quốc từ 720-730 USD/tấn khi giá phôi ở Đường Sơn có xu hướng tăng và thị trường thép Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng giá.
  6. Thị trường phôi thép nội địa: Tuần qua, chứng kiến đà tăng giá của phôi nội địa, chào giá phôi liên tục điều chỉnh qua các đợt tăng 100-300đ/kg tùy loại. Dù giá có xu hướng tăng nhưng giao dịch chưa tăng mạnh so với  nhu cầu. Nguyên nhân là người bán vẫn đang hạn chế tung phôi ra thị trường vì kỳ vọng vào khả năng tăng giá do phế liệu tăng giá và khan hàng cộng với phôi xuất khẩu đang tăng.  
  7. Thị trường thép xây dựng: Trong tháng 7, thị trường thép xây dựng chỉ có duy nhất một lần điều chỉnh giảm hồi đầu tháng. Các loại thép xây dựng đang tích cực được xuất khẩu, không chỉ có wire rod mà còn cả thép cây. Tuy nhiên,  không phải nhà máy nào cũng có thị trường xuất khẩu.
  8. Thị trường thép hộp: Thị trường thép hộp trong những tuần gần đây chịu nhiều áp lực cả của cả sức tiêu thụ và giá nguyên liệu đầu vào. Tuần qua, đã chứng kiến điều chỉnh giảm nhẹ ngay trong đầu tuần rồi đi ngang đến hết tuần với lượng giao dịch không khởi sắc. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh nếu có trên thị trường thép hộp sẽ diễn ra chậm hơn diễn biến trên thị trường các loại thép thành phẩm khác như thép xây dựng, tôn, thép hình.

Tuần này, phôi nội địa liên tục có các đợt điều chỉnh tăng và giá xuất khẩu phôi cũng ở mức cao, hơn nữa thị trường xuất khẩu thép xây dựng và tôn cũng đang có triển vọng lạc quan. Thép xây dựng và thép hộp dự kiến cũng sẽ có biến động tích cực nhưng tốc độ điều chỉnh diễn ra chậm và khác nhau giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới thị trường thép cả nước, phế liệu tiếp tục khan hàng và có điều chỉnh tăng nhẹ cũng như nhiều doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu.

Bài viết gần đây