Bản Tin Thị Trường Sắt Thép (Từ 28/6-3/7/2021)

 Tuần 26/2021 từ 28/06-02/07/2021 đã chứng kiến những điều chỉnh nhất định trên thị trường thép. Thép xây dựng giảm đúng như dự đoán từ tuần trước nhưng chưa thể khiến giao dịch cải thiện. Thị trường phế liệu có diễn biến trái chiều giữa hai miền Nam Bắc và xuất hiện những chênh lệch giá linh hoạt theo điều kiện của doanh nghiệp. Thép hộp và tôn mất đà tăng do cả sức tiêu thụ tiếp tục sụt giảm và thị trường HRC đang có xu hướng dao động đi xuống. Thị trường thép đang trong tình trạng giao dịch cầm chừng và chờ một bước ngoặt rõ ràng để phục hồi trong thời gian tới.

1.Diễn biến thị trường thép xây dựng tuần 26/2021 (28/06-02/07): Giá giảm nhưng giao dịch chưa cải thiện, thị trường sẽ đi ngang.

Áp lực tiêu thụ liên tục gia tăng gây sức ép lên thị trường thép xây dựng đã khiến các doanh nghiệp điều chỉnh giảm một lần nữa ngay trong ngày đầu tháng 7. Đợt điều chỉnh giảm lần này cũng đã được dự báo từ trước, tuy nhiên vẫn chưa thể cải thiện được giao dịch trên thị trường. Ngày 1/7 hàng loạt các doanh nghiệp ở phía Bắc giảm giá thép xây dựng. Hòa Phát, Tisco, Việt Đức, Việt Ý,...đều giảm thép cây và thép cuộn với mức tương đương 300đ/kg. Một số các doanh nghiệp như Shengli giảm giá thép cuộn 400đ/kg. Khoảng cách giá thép cây và thép cuộn không còn quá xa, thép xây dựng các loại dao động chủ yếu 16.000đ/kg. Dù giảm giá để mong cải thiện giao dịch nhưng thị trường thép xây dựng lúc này chưa thể phục hồi. Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát đã giảm trong tháng 6 so với mức trung bình 300 nghìn tấn/tháng trong 5 tháng đầu năm. Sơ bộ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 6/2021 của 11 nhà máy lớn tại miền Bắc ước tính đạt gần 389 nhìn tấn. Trong đó Hòa Phát tiếp tục đứng ở vị trí số 1, Tisco ở vị trí số 2 VIS ở vị trí số 3 và VGS ở vị trí số 4. Các doanh nghiệp còn lại đã có sự cách biệt về sản lượng sau nhiều tháng bám đuổi khá quyết liệt. Sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong tháng 6/2021 cao hơn 10 nhà máy đứng ở các vị trí tiếp theo khoảng 41.2 nghìn tấn.

2. Diễn biến thị trường HRC Việt Nam trong tuần qua: Diễn biến chào giá mới từ Nga, thị trường nội địa thiếu nhiều đột phá.

HRC trải qua tuần 26/2021 với xu hướng giá cơ bản đi ngang và giảm nhẹ trong khi giao dịch tiếp tục trầm lắng. Thị trường xuất hiện nhiều chào giá trong ngày đầu tuần, lô hàng SAE 1006 khoảng 10 nghìn tấn từ doanh nghiệp lớn của Ấn Độ về Việt Nam được chào ở mức 950-980 USD/tấn CFR Hồ Chí Minh, hàng giao vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2021. Chào giá từ Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn nhiều, chào giá ngày đầu tuần cho lô hàng SAE 1006-B ở mức chỉ từ 900 USD/tấn CFR về Hồ Chí Minh, Phú Mỹ hay Hải Phòng. Điểm nhấn trên thị trường tuần này là giá chào từ Nga, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào chào giá từ quốc gia này sau tin chính phủ áp thuế xuất khẩu từ 1/8/2021. Tuần này, người mua từ Việt Nam đã hạ giá HRC của Nga xuống dưới 900 USD/tấn CFR trong khi chào giá ở tuần trước là 1100 USD/tấn CFR.

3. Diễn biến thị trường phôi thép nội địa tuần 26: Thị trường phôi khó đột phá

Thị trường phôi nội địa tuần 26/2021 cơ bản đi ngang và xen kẽ những đợt điều chỉnh giảm nhẹ trong nửa đầu tuần, giao dịch vẫn ảm đạm và khó có đột phá. Đầu tuần 26/2021, thị trường phôi thép trong nước ít giao dịch dù giá chào phôi đã giảm khoảng 100-200đ/kg so với tuần trước đó. Chào giá phôi trung tần phổ biến ở mức từ 13,500-13,800đ/kg. Việc phôi trung tần không hạ giá mạnh trong tuần chủ yếu vì 2 lý do chính. Thứ nhất giá thép xây dựng vẫn giữ nguyên và thứ hai, phế liệu không giảm đồng loạt như dự kiến ở miền Bắc, hơn nữa phế liệu ở miền Nam còn có xu hướng tăng. Giá phôi tiếp tục có đợt giảm nhẹ 100đ/kg vào hôm 30/6 rồi ổn định đến hết tuần. Kết thúc tuần giao dịch tuần 26/2021, thị trường phôi miền Bắc không được cải thiện được lượng giao dịch, số lượng đơn chào cũng ít và tại miền Nam tiếp tục vắng bóng các giao dịch.

4. Diễn biến thị trường phế liệu tuần 26: Tiếp tục xu hướng trái chiều giữa hai miền Nam Bắc

Xu hướng tăng giảm trái chiều trên thị trường phế liệu hai miền Nam và Bắc đã được thiết lập từ tuần 25 và tiếp diễn ở tuần 26/2021. Sự khác biệt về xu hướng giá ở miền Bắc và miền Nam khiến thị trường phế liệu của Việt Nam hết sức khó đoán, đồng thời do lượng hàng cũng không dồi dào nên có tình trạng doanh nghiệp tiếp tục mua gom cho đủ các lô hàng cần thiết do vậy giá cũng có sự linh hoạt theo từng điều kiện của doanh nghiệp. Do phế liệu miền Bắc liên tục tăng trong nửa đầu tháng 6/2021, sang tuần 26 phế miền Bắc đã điều chỉnh giảm đúng như dự báo từ tuần trước. Một số doanh nghiệp đã giảm giá phế liệu từ 200-300đ/kg trong ngày đầu tuần nhưng cơ bản đã tạm dừng biến động trong ngày cuối tuần. Thị trường phế vốn rất nhạy cảm với diễn biến trên thị trường phôi, do vậy khi phôi nội địa ổn định và tăng nhẹ, phôi xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc vào ngày cuối tuần chính là một trong những lý do giúp giữ phế liệu tại miền Bắc ổn định trở lại.

Trong khi đó, miền Nam là tâm điểm của thị trường phế liệu nội địa tuần này với với đà tăng giá liên tục của các doanh nghiệp. Tuệ Minh là đơn vị tiên phong khi tăng mạnh vào 30/6 và sau đó tiếp tục tăng một lần nữa vào 2/7, đẩy giá phế loại 1 lên mức 10,550đ/kg. Cũng trong ngày 2/7, hàng loạt các doanh nghiệp tại miền Nam tăng giá, Tungho và Pomina 2 đều tăng 300đ/kg, mức giá sau tăng giá với loại 1 của Pomina2 là 10,300đ/kg. Trước đó vào ngày 1/7 thép miền Nam cũng tăng 2 lần, tổng cộng 500đ/kg, mức giá sau tăng là 10,350đ/kg. Một số nguồn tin cho biết sở dĩ các nhà máy miền Nam tăng giá liên tục do có hiện tượng mua gom phế liệu giá cao hơn nên bắt buộc các nhà máy phải điều chỉnh giá để đảm bảo sự cân bằng của thị trường.

5. Diễn biến thép hộp tuần 26/2021: sắp bước vào giai đoạn mới.

Thị trường thép hộp tuần 26/2021 đã chứng kiến những điều chỉnh giá không đồng nhất giữa các thương hiệu nhưng chưa thay đổi được tình hình tiêu thụ ảm đạm, thị trường xuất hiện thêm yếu tố đầu vào giảm. Ngay trong ngày đầu tuần, nhiều thương hiệu tại miền Nam đồng loạt giảm, cụ thể giá sàn của Sendo, Nam Kim, Ánh Hòa giảm 200đ/kg, trong khi giá sàn của Nam Hưng giảm khoảng 600đ/kg. Động thái điều chỉnh giảm của các thương hiệu này là dễ hiểu trong bối cảnh sức tiêu thụ liên tục sụt giảm và giá đầu vào HRC có xu hướng đi giảm. Ở chiều ngược lại, ngày giao dịch cuối tháng 6 ghi nhận Hoa Sen tăng 200đ/kg thép ống hộp và tiếp tục dẫn đầu thị trường về giá sàn thép hộp với khoảng cách từ 500-1000đ/kg so với một số đối thủ. Ngay hôm sau là 1/7, Hoà Phát cũng tăng giá thêm khoảng 300đ/kg, Nam Kim thông báo tăng giá 200đ/kg nhưng để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh dịch bệnh nên bảng giá hiện tại của Nam Kim không đổi cho đến hết 7/7. Sau đó, không có bất kỳ động thái tăng giá nào từ các thương hiệu khác.

Sau khi điều chỉnh giá, giao dịch thép ống hộp chưa được cải thiện nhiều. Đây là điều đã được dự báo từ trước, khi cả thị trường thép nói chung đang rơi vào trạng thái giao dịch sụt giảm trong bối cảnh các cơn sốt đã đi qua. Một số doanh nghiệp thương mại cũng cho biết, thị trường ống hộp hiện tại đang tồn tại nhiều loại giá, nhất là khi nhiều doanh nghiệp muốn đẩy hàng tồn kho. Cuối tuần cũng có tin thị trường ở miền Bắc có xu hướng giảm giá đối với một số loại thép ống hộp, ống thép mạ kẽm, ống thép đen với mức giảm 300đ/kg từ nhà máy nhưng không có tin tức giảm từ miền Nam.

Bài viết gần đây