Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 5/7-9/7/2021)

Thị trường phế liệu trải qua một tuần cơ bản đi ngang về giá xen kẽ các đợt điều chỉnh tăng linh hoạt của các nhà máy, xu hướng trong tuần tới của phế liệu sẽ khó lường do tác động từ kết quả đấu thầu Kanto giảm giá, cung eo hẹp trên thị trường nội địa và tâm lý thị trường suy yếu. Phôi nội địa đang chờ thêm tín hiệu tích cực và đủ mạnh mẽ từ thị trường xuất khẩu để hồi phục về giá và lượng giao dịch. Thị trường HRC nội địa lúc này đứng trước sự lựa chọn khó khăn khi các yếu tố đầu vào hỗ trợ cho việc tăng giá nhưng các yếu tố đầu ra, tiêu thụ lại có thể gây ra áp lực giảm giá. Ngoài các yếu tố cơ bản từ cung – cầu, thị trường thép Việt Nam cần chờ tín hiệu tích cực hơn từ diễn biến dịch bệnh và tâm lý thị trường ổn định trở lại.

  1. Thị trường phế liệu nội địa: Sau hai tuần chứng kiến diễn biến trái chiều trên thị trường phế liệu miền Nam và miền Bắc, về cơ bản thì giá phế liệu trong tuần 27/2021 tạm thời bình ổn. Hiện tại, giá phế có sự chênh lệch giữa các nhà máy từ 100-300đ/kg cùng loại, do đó vẫn có thể phế liệu sẽ còn được điều chỉnh tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, xu hướng trong tuần tới của phế liệu sẽ khó lường và những người tham gia đang hết sức chú ý tới các diễn biến trên thị trường.
  2. Thị trường phế liệu nhập khẩu: Tâm điểm chú ý của thị trường phế liệu tuần này là kết quả đấu thầu Kanto diễn ra vào ngày giao dịch chính thức cuối cùng của tuần 27. Trước khi có kết quả cuộc đấu thầu, ở thị trường nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận chào giá H2 vẫn duy trì quanh mốc 500 USD/tấn và các giao dịch thành công duy trì ở mức 480-485 USD/tấn CFR (khoảng 11,000đ/kg), tương tự với giá phế liệu PNS từ Mỹ. Sau kết quả phiên đấu thầu thì giá H2 xuất khẩu của Nhật giảm khoảng 12-14 USD/tấn so với tháng trước. Điều này ngay lập tức đã tác động tới giá thu mua nội địa ở Nhật khi Tokyo Steel giảm khoảng 5 USD/tấn. Nếu giá phế liệu nhập khẩu giảm thì sẽ có thể tác động tới giá phế liệu ở Việt Nam.
  3. Thị trường HRC nhập khẩu: Ngày đầu tuần 27/2021, thị trường HRC tiếp tục chứng kiến nhiều chào giá rất cạnh tranh từ doanh nghiệp của Nga trước thời điểm áp thuế 1/8. Diễn biến chào giá từ Nga một mặt giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể mua được một lượng lớn HRC giá mềm nhưng mặt khác cũng khiến hệ thống chào giá HRC truyền thống bị tê liệt khi các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ đều chào thua mức giá từ Nga. Tuy nhiên vào ngày 06/7, chào giá HRC của Trung QUốc đã chính thức được nối lại hai ngày tiếp sau đó, chào giá từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh với SS400, Q195, Q355 và Strip đồng loạt tăng trên mức 900 USD/tấn CFR. Tổng cộng chỉ sau 2 ngày chào giá, mức giá SS400, Q195, Q355 tăng tới 35-37 USD/tấn.
  4. Thị trường HRC nội địa: Có thể thấy, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ cuối tháng trước, giá HRC nội địa gần như đã đi ngang dù giá kỳ hạn và đầu vào tại Trung Quốc liên tục biến động tăng trong tuần này. Thực tế, nếu không ảnh hưởng từ dịch bệnh và sức mua giảm do tâm lý thì có thể đã có các đợt điều chỉnh tăng đồng loạt của các doanh nghiệp HRC trong nước . Thị trường HRC nội địa lúc này đứng trước sự lựa chọn khó khăn khi các yếu tố đầu vào hỗ trợ cho việc tăng giá nhưng các yếu tố đầu ra, tiêu thụ lại có thể gây ra áp lực giảm giá.
  5. Thị trường phôi thép xuất nhập khẩu: Việc phôi Đường Sơn tăng mạnh và duy trì giá xuất xưởng ổn định vào cuối tuần, giá giao ngay đạt trên 5000 NDT/tấn đã thúc đẩy thị trường phôi xuất khẩu của Việt Nam và một loạt nước tăng giá. Một số đơn hàng mới nhất giao dịch thành công đối từ Việt Nam đi Trung Quốc có giá khoảng 685 USD/tấn CFR.
  6. Thị trường phôi thép nội địa: Thị trường phôi nội địa tuần 27/2021 đi ngang với giao dịch ảm đạm dù phôi xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực. Giá phôi nội địa chỉ nhích nhẹ thêm khoảng 100-200đ/kg, phổ biến ở mức từ 13.600 – 13.900đ/kg số lượng giao dịch cũng không nhiều như kỳ vọng. Lúc này, những người tham gia thị trường phôi đang có tâm lý chờ đợi xu thế rõ ràng hơn của thị trường. Yếu tố khiến phôi nội địa chưa thể phục hồi một phần không nhỏ là do tác động từ thị trường phế liệu nội địa chưa có chuyển biến mới, thép xây dựng lại đi ngang và có khả năng giảm cao do sức ép tiêu thụ. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng là một yếu tố đáng chú ý khác.
  7. Thị trường thép xây dựng: Đợt điều chỉnh giảm trong tuần trước chưa thể cải thiện được giao dịch trên thị trường, nhất là vì dịch bệnh và thời tiết lúc này ở khu vực miền Nam. Tuần 27/2021 chứng kiến thị trường thép xây dựng đi ngang về giá trong khi sụt giảm tiêu thụ kéo dài đang gia tăng áp lực lớn lên thị trường. Trong tháng 6/2021, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đã giảm xuống còn hơn 200 nghìn tấn do sự bùng phát của dịch Covid – 19 tại các tỉnh phía miền Nam. Xét về khoảng cách giá giữa phôi, phế liệu và thép xây dựng hiện tại dư địa điều chỉnh giảm của thép xây dựng vẫn còn khá nhiều. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh phôi xuất khẩu tăng giá và thị trường thế giới đang phục hồi, nhu cầu thép tăng cao thì khả năng điều chỉnh giá mạnh sẽ khó xảy ra.
  8. Thị trường thép hộp: Tuần 27/2021 ghi nhận giá thép hộp không điều chỉnh như dự kiến của nhiều bên tham gia thị trường, tiêu thụ tiếp tục gặp khó và do vậy xu hướng giảm đã nhen nhóm từ giữa tuần giao dịch. Tại miền Bắc, Nhật Quang thông báo giảm giá 300đ/kg, áp dụng từ 8/7 nhưng sẽ tính lại giá từ 5/7 tới 7/7. Trong khi đó, phía Minh Phúc cũng báo giảm giá 300đ/kg đối với hàng của Hòa Phát, Việt Đức, Vitek. Ở khu vực miền Nam, duy nhất có Sendo điều chỉnh tăng nhẹ 200đ/kg trong ngày 06/07 còn các thương hiệu khác đều có động thái giảm một cách thận trọng. Rõ ràng đà tăng của thị trường thép hộp đã chững lại đáng kể và thậm chí biến mất, xu hướng giảm đang trở nên rõ ràng hơn.

Theo: giathepton.com

Bài viết gần đây