Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 21/6-25/6/2021)

Trong tuần từ ngày 21/6-25/6, thị trường thép cuộn cán  nóng (HRC) chào nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ đang có giá rất mềm nhưng người mua tỏ ra không mặn mà vì tiêu thụ nội địa đang giảm mạnh, thêm nữa do thông tin chưa rõ ràng về thuế xuất trong khi mức giá trong nước tốt hơn. Phế liệu có diễn biến trái chiều giữa hai miền Nam Bắc nhưng không sụt giảm mạnh đã giúp phôi giữ được đà đi ngang. Giao dịch trên thị trường thép xây dựng vẫn trầm lắng sau đợt điều chỉnh giảm đầu tuần đang gây thêm áp lực điều chỉnh giá trong thời gian tới. 

1. Thị trường thép xây dựng: Ngay trong đầu tuần 25/2021 thị trường thép xây dựng trên toàn quốc đồng loạt giảm với mức giảm tương đối đồng đều với kỳ vọng sẽ cải thiện được lượng tiêu thụ. Sau đợt giảm giá này, mức giá thép xây dựng đồng loạt về dưới mốc 17,000đ/kg, phổ biến khoảng 16,300-16,500đ/kg tùy loại thép và thương hiệu. Tuy nhiên, tiêu thị thép xây dựng vẫn không được cải thiện nhiều sau các đợt giảm. Vì thế, có thể ở tuần tới trong đầu tháng 7, giá thép xây dựng sẽ tiếp tục phải điều chỉnh.


2. Thị trường thép hộp: Đà tăng trên thị trường thép hộp chững lại rõ rệt vào tuần 25/2021 do sức tiêu thụ giảm mạnh. Ở khu vực miền Bắc, Minh Ngọc và Nhật Quang tăng giá 300đ/kg các loại ống thép mạ kẽm vào ngày đầu tuần. Tuy nhiên ở khu vực miền Nam, chưa có thêm các doanh nghiệp nào tăng giá và thậm chí Hòa Sen cũng không tăng theo lịch công bố vào 23/6. Do giá đầu vào HRC đang diễn biến theo xu hướng giảm dần trong khi sức tiêu thụ sụt giảm tác động mạnh khiến thép ống hộp đi ngang. Sắp tới thị trường sẽ không có quá nhiều biến động khi chỉ có lịch tăng của Hoa Sen hôm 30/06 và Nam Kim hôm 01/07.

3. Thị trường HRC nhập khẩu: Tuần 25/2021, chào giá từ Trung Quốc tiếp tục giảm, chào giá SS400/A36 thậm chí lần đầu xuống dưới 900 USD/tấn CFR thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình phía Ấn Độ cũng có xu hướng giảm giá chào; SAE 1006 Ấn Độ phổ biến ở mức khoảng 1,000 USD/tấn CFR, giảm từ 30-50 USD/tấn CFR so với các đơn chào ở các tuần trước. Dù giá chào từ Trung Quốc và Ấn Độ đang có giá rất mềm nhưng người mua tỏ ra không mặn mà vì do thị trường nội địa tiêu thụ đang giảm mạnh, thông tin chưa rõ ràng về thuế xuất khẩu của Trung Quốc cùng với mức giá nội địa tốt hơn.

4. Thị trường HRC nội địa: Thị trường nội địa cơ bản đã đi ngang trong tuần qua, giao dịch trầm lắng và chưa có thêm phản ứng gì cho dù vào nửa cuối tuần tín hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường Trung Quốc. Trên thị trường kỳ hạn Trung Quốc, HRC đã tăng lên 820 USD/tấn sau khi giảm xuống dưới 800 USD/tấn vào đầu tuần. Thị trường đang kỳ vọng HRC nội địa có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Xu hướng tăng chỉ có thể xảy ra khi có một cú huých đủ lớn, khả năng cao sẽ diễn ra vào tháng 7 thay vì cuối tháng này.

5. Thị trường phế liệu nội địa: Nếu như tuần trước thị trường phế liệu miền Bắc đã chứng kiến cuộc đua tăng giá nóng bỏng thì tuần 25/2021 đà tăng chững lại tại miền Bắc nhưng trở nên mạnh mẽ hơn tại miền Nam. Thậm chí ở miền Bắc, một số doanh nghiệp giảm giá nhẹ. Ngược lại tại thị trường miền Nam, lần lượt chứng kiến thép Đông Nam Á tăng 200đ/kg, thép miền Nam tăng 300đ/kg vào đầu tuần. Sau đó, phế liệu khu vực miền Nam tiếp tục chứng kiến các đợt điều chỉnh tăng 200-300đ/kg từ Pomina, thép miền Nam vào 23/06 và Tungho, Ponima2 trong hai ngày cuối tuần.

6. Thị trường phế liệu nhập khẩu: Ở thị trường nhập khẩu, giá chào nhập đang ở mức cao trên 500 USD/tấn CFR với H2 của Nhật Bản và khoảng 520 USD/tấn CFR với HMS của Mỹ. Mức giá giao dịch thành công tuần này là 485 USD/tấn CFR, có xu hướng thấp hơn tuần trước 10 USD/tấn CFR. Nhìn chung, mức giá cao ở thị trường nhập khẩu đã lý giải phần nào cho việc giá phế liệu miền Bắc đi ngang sau khi Quốc Bảo giảm giá 300đ/kg chứ không giảm đồng loạt.

7. Thị trường phôi thép xuất khẩu: Trên thị trường xuất khẩu phôi, chào giá phôi ở nhiều nước tuần 25 có xu hướng giảm nhẹ từ 5-10 USD/tấn. Phôi Đường Sơn trung bình dao động quanh mốc 750-760 USD/tấn CFR, thấp hơn so với tuần trước. Chào giá phôi từ Việt Nam cũng chung xu hướng giảm, giá phổ biến ở mức 640-650 USD/tấn FOB, thị trường thậm chí không ghi nhận các giao dịch. Vì thế, phôi xuất khẩu tuần tới sẽ khó khởi sắc như ở giai đoạn trước nhất là với diễn biến của cả thị trường thế giới và nội địa.

8. Thị trường phôi thép nội địa: Thị trường phôi nội địa tuần 25/2021 cơ bản giữ được đà đi ngang dù có biến động nhẹ vào giữa tuần, bất chấp các yếu tố gây áp lực giảm lớn đến từ thép xây dựng, tâm lý thị trường và cả tình hình xuất khẩu phôi trầm lắng. Vào ngày 23/06 phôi thép đã có biến động giảm khiến giá phôi có xu hướng dao động khá rộng với nhiều mức giá khác nhau, có nơi từ 13,500-13,700đ/kg, có nơi vẫn từ 13,800-14,000đ/kg. Tuy nhiên sau đó phôi đã ổn định đến hết tuần, lượng giao dịch, số lượng đơn chào cũng ít tại miền Bắc và tại miền Nam thậm chí vắng bóng các giao dịch.

Bài viết gần đây