Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 8.11- 12.11/2021)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Giá giảm nhưng không có giao dịch. Thị trường phế liệu toàn cầu nhìn chung đang trên đà giảm và ở tuần tới vẫn sẽ tiếp tục giảm. Trong tuần này, đa số đơn chào đã về dưới 500 USD/tấn CFR. Ở tuần tới, có thể mức giá giao dịch thành công sẽ chỉ khoảng 460-480 USD/tấn CFR với các loại phế liệu phổ biến. Giá H2 của Nhật Bản khả năng cũng sẽ giảm thêm từ 10-20 USD/tấn sau khi giá nội địa của Nhật giảm tiếp vào cuối tuần này và nhiều nước nhập khẩu phế đồng loạt hạ giá mua.  

Thị trường phế liệu nội địa: Chứng kiến mức giá giảm rất mạnh ở thị trường miền Bắc và đang lan rộng dần sang các thị trường khác. Nhiều nhà máy lớn tại miền Bắc đã giảm từ 400-500đ/kg ở tuần này. Các bãi phế, doanh nghiệp giảm từ 500-700đ/kg, cá biệt có bãi giảm 800-1,000đ/kg. Do giá ở miền Bắc liên tục giảm nên giá ở miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam cũng đã giảm nhẹ từ 200-300đ/kg. Sang tuần tới, khả năng giá ở khu vực miền Nam sẽ điều chỉnh, nhất là từ các nhà máy do chênh lệch giá với miền Bắc đã giảm.   

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Ở tuần này, thị trường phôi xuất khẩu vẫn “đóng băng” khi giá ở Đường Sơn giảm sâu, còn các thị trường Đông Nam Á khác chỉ duy trì mức giá thấp khoảng 650-660 USD/tấn CFR. Các nhà máy Việt Nam tuần này gần như không chào giá nên áp lực với các nhà máy càng gia tăng mạnh hơn. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ vẫn không thay đổi ở tuần tới.

Thị trường phôi thép nội địa: Dù đã có nhiều biện pháp giữ cho giá phôi không giảm mạnh nhưng tuần này phôi vẫn giảm từ 500-600đ/kg, nhất là ở thị trường miền Bắc. Phôi giảm chủ yếu vì do áp lực tiêu thụ nội địa chậm, xuất khẩu đóng băng còn phế liệu lại giảm liên tục. Ở tuần tới phôi khả năng vẫn giảm giá ngay cả khi giá thép xây dựng được các nhà máy tìm mọi cách giữ ổn định.

Thị trường HRC nhập khẩu: Tuần này không có nhiều giá chào, chủ yếu do thị trường kỳ hạn của Trung Quốc biến động mạnh và các nhà xuất khẩu nước ngoài chờ giá của Formosa. Nhìn chung, giá chào vẫn giảm, phổ biển ở mức chỉ 820-850 USD/tấn CFR với SS400/A36 tùy đơn hàng, nhà máy của Trung Quốc, Ấn Độ. Chào giá của Nhật cũng xuống khá thấp ở tuần này. Trong tuần tới, thị trường chào giá có khả năng sôi động hơn khi xu hướng giá của Formosa, Hòa Phát đã rõ ràng và thị trường kỳ hạn đang tăng trở lại.

Thị trường HRC nội địa: Việc Formosa công bố giá HRC mới giảm 40 USD/tấn đã khiến thị trường HRC nội địa tiếp tục giảm thêm một nhịp với các mác thông dụng như SS400/A36 trong tuần này ở cả miền Bắc và miền Nam. Tuần này vẫn là một tuần khó khăn cho thị trường nội địa khi giá giảm nhưng tiêu thụ cũng giảm, một phần vì thị trường kỳ hạn có thời điểm giảm sốc, một phần vì tâm lý chờ đợi của người mua với giá mới từ Hòa Phát, Formosa.

Thị trường thép xây dựng: Đúng như dự báo, các nhà máy phía Bắc đã không tăng giá nên việc một số nhà máy phía Nam tăng đã không thể thúc đẩy được thị trường thép xây dựng như những gì trong tháng 10. Thậm chí, đa số các nhà phân phối vẫn bán với giá cũ sau khi giá của một số nhà máy tăng. Ở miền Bắc cuối tuần này, đã có thêm nhà máy hỗ trợ giá bán. Điều này cho thấy các nhà máy đang muốn giữ giá thép xây dựng trước áp lực giảm tăng mạnh mẽ do phế và phôi giảm cũng như tồn kho tăng.

Thị trường thép ống, hộp: Trong khi ở miền Nam, giá vẫn đang duy trì ổn định, thậm chí tăng nhẹ nhưng ở miền Bắc, giá đã giảm vào cuối tuần. Các nhà máy giảm khoảng 300đ/kg nhưng nhiều đại lý đã giảm sâu hơn. Có thể trong tuần tới, khu vực miền Nam cũng điều chỉnh giảm nhẹ với giá bán ra của các đại lý.

Trái ngược với xu hướng chung là tăng giá ở tuần 45, sang tuần 46 thị trường thép nhìn chung biến động mạnh, tăng giảm đan xen ở nhiều mặt hàng nhưng xu thế chung là giảm giá, nhất là với phế liệu, phôi và HRC. Ở tuần 47, mọi thứ sẽ có thể còn khó khăn hơn nhiều vì đà giảm của phế, phôi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu mức giảm quá sâu, khả năng giá thép xây dựng sẽ lung lay cả khi các nhà máy đã trợ giá. Với HRC, tuần tới sẽ có giá của Hòa Phát, giá gần như sẽ giảm theo xu hướng của Formosa, báo hiệu giai đoạn cuối năm nhiều khó khăn với thị trường HRC Việt Nam, đặc biệt khi thị trường kỳ hạn Trung Quốc vẫn tăng giảm thất thường.

Nguồn : giathepton.com

Bài viết gần đây