Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 4.10- 8/10/2021)

1 .Thị trường phế liệu nội địa:

Giá tiếp tục tăng ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là ở miền Bắc sau khi các doanh nghiệp lớn như TISCO, Shengli, BKT…đều tăng giá. Dù giá đã liên tục điều chỉnh nhưng thị trường vẫn khan hàng, nhiều nhà máy chỉ đáp ứng được 50-70% công suất. Do đó, giá phế tuần tới ở nội địa khả năng còn tăng nhẹ tiếp nhất là khi phế nhập khẩu tăng mạnh và phôi vẫn đang tăng.

2.Thị trường phế liệu nhập khẩu:

Tuần qua chứng kiến lượng mua tăng vọt từ phía Việt Nam với phế nhập khẩu. Ước tính có khoảng hơn 50 nghìn tấn phế liệu đã được giao dịch thành công dù giá liên tục tăng. Việc H2 tăng vọt ở nội địa đã đẩy chào giá H2 của Nhật lên 530 USD/tấn CFR Việt Nam nên người mua Việt Nam đã chuyển hướng sang các thị trường Úc, Mỹ, châu Âu…Giá phế nhập khẩu cuối tuần dù là loại cơ bản hay cao cấp đều tăng từ 5-10 USD/tấn so với đầu tuần. Các lô hàng phế 80:20 basis đã giao dịch thành công với giá 520 USD/tấn CFR. Tuần tới, phế nhập khẩu có thể còn tăng khi diễn ra phiên đấu thầu Kanto và nhiều thị trường khác cũng đang tăng giá, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.

3.Thị trường HRC nhập khẩu:

Thị trường cơ bản đóng băng khi Trung Quốc nghỉ lễ, Nga ngừng chào và Ấn Độ điều chỉnh tăng giá mạnh ở nội địa. Ở cuối tuần, khi thị trường Trung Quốc trở lại, giá chào cũng xuất hiện với điều chỉnh tăng. HRC chào của Ấn Độ cũng tăng, không còn các đơn chào dưới 900 USD/tấn CFR nữa. Thị trường HRC châu Á đang tăng trở lại do Trung Quốc giảm mạnh sản lượng nên có thể trong tuần tới, giá HRC của Formosa và Hòa Phát công bố sẽ tăng sau nhiều tháng giảm liên tiếp. HRC nhập khẩu tăng được kỳ vọng sẽ là nhân tố thúc đẩy thị trường nội địa sôi động trở lại.

4.Thị trường HRC nội địa:

Sau điều chỉnh giảm ở cuối tuần trước, trong tuần này thị trường HRC nội địa cơ bản đi ngang, một số các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục có điều chỉnh về giá nhưng không nhiều và không đồng loạt. Tiêu thụ HRC chưa tăng như kỳ vọng là một yếu tố khiến thị trường nội địa kém sôi động. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn nằm ở xu hướng giá giảm và duy trì ở mức thấp. Các doanh nghiệp nội địa đang kỳ vọng vào những thay đổi tích cực trong tuần tới. 

5.Thị trường phôi thép xuất khẩu:

Do Trung Quốc nghỉ lễ nên thị trường phôi xuất khẩu Việt Nam ở tuần này cũng kém sôi động, có rất ít đơn chào. Đa số các đơn chào đi các nước Đông Nam Á, giá dao động quanh mức 700 USD/tấn CFR, thấp hơn thị trường Trung Quốc. Ở cuối tuần, sau khi thị trường Trung Quốc trở lại, giá phôi Đường Sơn đã tăng mạnh, thêm khoảng 100 NDT/tấn với giá xuất xưởng. Điều này báo hiệu sự sôi động có thể trở lại sớm với thị trường phôi xuất khẩu trong tuần tới. 


6.Thị trường phôi thép nội địa:

Sự sôi động trong tuần 40 chưa xảy ra dù giá thép xây dựng đã tăng, phế liệu cũng tăng giá và phôi cũng tăng nhẹ. Điều này chủ yếu vì chênh lệch giá phôi và giá thép xây dựng quá thấp trong khi thị trường xuất khẩu tạm nghỉ nên các bên đều tỏ ra thận trọng. Tuần này, phôi tăng từ 300-400đ/kg so với tuần trước, mức giá phôi trung tần ở nhiều thị trường quanh mốc 15,300-15,500đ/kg. Ở tuần này giá có thể sẽ tăng tiếp khi phôi xuất khẩu tăng. Nhưng việc tăng giá này cũng đồng nghĩa sức ép với thị trường nội địa gia tăng. 

7.Thị trường thép xây dựng:

Trong tuần 40, các nhà máy đã đồng loạt tăng giá, mức tăng có sự khác biệt nhưng về cơ bản là tăng 200đ/kg đối với thép cây và thép cuộn. Tiêu thụ tháng 9 của các nhà máy thép cũng có dấu hiệu phục hồi, nhất là với Hòa Phát khi tiêu thụ tăng vọt 59 nghìn tấn so với tháng 8. Nhìn chung đợt tăng giá thép xây dựng ở tuần này chưa thể giúp thị trường phục hồi nhưng là bước đệm mang lại hiệu ứng tâm lý tốt cho giai đoạn cuối năm. Không loại trừ khả năng sẽ có những đợt tăng khác ngay trong tháng 10 nếu tiêu thụ được cải thiện, giá phôi và phế tăng cũng như dịch bệnh được kiểm soát ngày càng tốt hơn. 

8.Thị trường thép hộp:

Khác với tuần trước, ở tuần này, số lượng các nhà máy điều chỉnh giá không nhiều. Chủ yếu chỉ có Hoa Sen giảm nhẹ. Sau điều chỉnh của Hoa Sen, giá sàn thép hộp của các nhà máy cơ bản tương đương nhau, ở mức dưới 27,000đ/kg. Việc lựa chọn đi ngang ở tuần này với các nhà máy ngoài lý do tiêu thụ chưa cải thiện, chủ yếu còn vì nhiều nhà máy muốn chờ các diễn biến mới trên thị trường HRC, dự kiến sẽ tăng giá trong tuần tới. 

Sau một giai đoạn hết sức khó khăn, thị trường thép Việt Nam bước vào quý IV với kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ. Nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra, nhất là với thép xây dựng khi các nhà máy đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, với HRC mọi thứ chưa sôi động như kỳ vọng nên các thay đổi có thể sẽ tới vào tuần tới khi giá Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều thị trường đều tăng. Nếu giá HRC tăng, tôn và thép hộp có thể cũng sẽ biến động. Ở tuần tới, phế liệu và phôi có lẽ vẫn là những mặt hàng tăng chính và sôi động trên thị trường thép. 


Bài viết gần đây