Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 25/10- 29/10/2021)

Thị trường phế liệu nhập khẩu: Thị trường tuần này vẫn bùng nổ với khoảng gần 15 nghìn tấn phế liệu nhập khẩu. Giá giao dịch tăng so với tuần trước. Giá vẫn tăng so với tuần trước, riêng H2 đã giao dịch trên 540 USD/tấn CFR. Nhưng ở tuần tới, phế nhập khả năng sẽ hạ nhiệt khi giá phế nội địa ở Nhật Bản bắt đầu giảm từ 30/10 tại nhiều nơi. Thị trường phế liệu toàn cầu đang chịu sức ép giảm do giá phôi xuống thấp. Do đó, ở tuần tới, giá phế nhập khẩu của Việt Nam khả năng cũng sẽ giảm nhưng lượng giao dịch sẽ không tăng vì người mua cần quan sát kỹ xu hướng thị trường.

Thị trường phế liệu nội địa: Ở tuần này gần như không có doanh nghiệp tăng giá mua phế. Giá cơ bản đi ngang và bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm vào cuối tuần. Dù xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ khoảng 0,5% nhưng tâm lý lo ngại giảm giá đang bao trùm thị trường. Giá phế nội địa có thể giảm nếu phôi nội địa giảm sâu ở tuần tới. Cuối tuần này, lượng giao dịch phế đã chững lại, không còn tình trạng mua gom phế, giao dịch số lượng lớn như trước đó.

Thị trường phôi thép xuất khẩu: Đây là một tuần cực kỳ khó khăn với thị trường phôi xuất khẩu sau khi giá phôi Đường Sơn về mốc 4,900 NDT/tấn. Thị trường chào giá phôi sang Trung Quốc gần như không hoạt động. Các nhà máy Việt Nam đã chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và chấp nhận mức giá giảm từ 30-40 USD/tấn trong tuần này nhưng cũng không có nhiều giao dịch thành công. Phôi xuất khẩu nhiều khả năng sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi bởi thị trường Trung Quốc chưa thể trở lại ổn định trong tuần tới.  

Thị trường phôi thép nội địa: Giá đã chững lại cả tuần rồi có xu hướng giảm nhẹ vào cuối tuần. Hiện phôi nội địa đang chịu áp lực lớn do phôi xuất khẩu lao dốc và tâm lý lo ngại bao trùm thị trường. Kỳ vọng vào việc thép xây dựng tăng giá đồng loạt trong tháng 11 là rất mong manh nên việc giảm giá là dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu phôi giảm sâu có thể kéo thị trường phế liệu và cả thị trường thép xây dựng giảm theo.

Thị trường HRC nhập khẩu: Sức mua yếu một lần nữa khiến thị trường nhập khẩu HRC kém sôi động. Rất ít đơn chào xuất hiện trong tuần này, nhất là từ Ấn Độ, Hàn Quốc. Ngược lại, chào giá từ Trung Quốc nhiều hơn nhưng lại giảm khá nhanh sau khi thị trường kỳ hạn giảm mạnh. Giá chào từ Trung Quốc đã giảm 30-40 USD/tấn cho một số các lô hàng cụ thể. Ở tuần tới, thị trường chào giá có thể sẽ tăng trở lại nhưng giao dịch vẫn chưa tăng.

Thị trường HRC nội địa: Các doanh nghiệp nội địa ở khu vực miền Nam đã phải giảm giá từ 300-400đ/kg để cải thiện sức mua bất chấp việc tôn, thép ống, hộp vẫn tăng giá. Khó khăn đối với thị trường HRC nội địa vẫn kéo dài khi giá đầu vào thấp, sức mua yếu còn giá thép thành phẩm lại cao.

Thị trường thép xây dựng: Giá thép xây dựng một lần nữa tăng đồng loạt ở tuần này, mức tăng phổ biến từ 200-300đ/kg với hầu hết các nhà máy. Sau đợt tăng giá này, giá thép xây dựng đã tăng từ 600-900đ/kg tùy loại và tùy nhà máy trong tháng 10. Giá tăng giúp cải thiện được tiêu thụ, gỡ bỏ được các nút thắt thị trường nội địa, nhất là với phôi và phế liệu. Nhưng lúc này, áp lực đã lập tức bủa vây với thị trường thép xây dựng bởi nếu không tăng giá tiếp được trong tháng 11, giá phôi giảm sâu có thể kéo giảm giá thép xây dựng vừa mới tăng trong tháng 10.

Thị trường thép ống, hộp: Chỉ có một số ít các nhà máy thép ống hộp tăng trong tuần này và mức tăng cũng không quá lớn. Tuy nhiên, mọi thứ có thể sẽ khác ở tuần tới sau khi nhiều nhà máy cắt chiết khấu, đồng nghĩa với việc tăng giá từ 200-300đ/kg các loại.

Tuần qua, đã kết thúc với xu hướng tăng giá phổ biến. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là không hề nhỏ khi giá phôi giảm, phế liệu cũng có dấu hiệu giảm và HRC cũng chưa thoát khỏi được áp lực giảm. Các nút thắt của thị trường lại tiếp tục được đặt ra đòi hỏi những người tham gia thị trường thép cần thận trọng trong các quyết định mua bán. Thách thức tuy lớn nhưng kỳ vọng tháng 11 cũng rất cao vì đây là thời điểm mà ngành thép Việt Nam có thể gia nhập cột mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay. Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường xuất khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp thép tự tin chinh phục thị trường nội địa những tháng cuối năm.  

Bài viết gần đây