Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 16/8- 20/8/2021)

  1. Thị trường phế liệu nội địa: Giá phế liệu nội địa trong tuần qua diễn biến khá khó lường dưới tác động của dịch bệnh và đà giảm của phôi nội địa cũng gây thêm áp lực. Về cơ bản gần như trong cả tuần, các nhà máy, bãi phế liệu lớn hiện vẫn cố gắng giữ giá thu mua.
  2. Thị trường phế liệu nhập khẩu: Xu hướng giá phế liệu toàn cầu đang giảm dẫn tới phế nhập khẩu vào Việt Nam giảm. Chào giá H2 vào Việt Nam ổn định ở mức 470-475 USD/tấn CFR trước khi phiên thầu Kanto diễn ra, sau đó giảm xuống mức 465 USD/tấn CFR vào cuối tuần.
  3. Thị trường HRC nhập khẩu: Các nhà máy Nga đang chào giá dưới mức 900 USD/tấn CFR, giá cạnh tranh hơn giá của Ấn Độ, trong bối cảnh giá của Trung Quốc đang rất cao và có rủi ro về thuế suất. Trong tuần này tình hình thị trường thiếu tín hiệu khả quan khi hầu như không có giao dịch nhập HRC nào được ghi nhận.
  4. Thị trường HRC nội địa: Tuần qua chứng kiến việc gia hạn giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh thành cùng những biện pháp mạnh tay của chính phủ đã khiến tâm lý thị trường HRC tiếp tục suy yếu, sức tiêu thụ sụt giảm, thêm nữa là tác động tương quan với các chào hàng HRC nhập khẩu. Tiếp nối thông báo giảm giá của Formosa vào cuối tuần trước, ngày 17/8 thị trường đón nhận tin giảm giá HRC của Hoà Phát với mức giảm 20 USD/tấn.
  5. Thị trường phôi thép xuất khẩu: Giá phôi xuất xưởng tại Đường Sơn đã liên tục giảm xuống mức mốc 5000NDT/tấn. Điều này khiến thị trường phôi xuất khẩu vào Trung Quốc tiếp tục giảm, giá phôi xuất khẩu từ các nhà máy Việt Nam ở mức 630-640 USD/tấn FOB, giảm mạnh 30-40 USD/tấn so với tuần trước.
  6. Thị trường phôi thép nội địa: Đà giảm đã nhen nhóm trong tuần trước trên thị trường phôi, và tiếp diễn trong tuần qua do tình hình tiêu thụ nội địa và những diễn biến trên thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thị trường phôi thép Trung Quốc.
  7. Thị trường thép xây dựng: Có thể thấy, sau các đợt điều chỉnh giảm giá trong tháng 6, tháng 7 không mang lại nhiều hiệu quả về cải thiện tiêu thụ, trong tuần qua cũng là tuần thứ ba của tháng 8, các nhà máy gần như không có động thái điều chỉnh giá. Lúc này, khối lượng thép xây dựng xuất khẩu cũng có xu hướng giảm so với tháng 7/2021 khi giá thép ở nhiều nước giảm, khiến giá của Việt Nam không còn nhiều lợi thế cạnh tranh.
  8. Thị trường thép hộp: Đúng như dự đoán, thị trường thép hộp chứng kiến việc điều chỉnh tăng của một số thương hiệu ở miền Bắc ngay ngày đầu tuần với mức tăng 300đ/kg, nhưng sau đó thị trường không có nhiều chuyển biến tích cực. Trong ngày giao dịch chính thức cuối tuần trên thị trường miền Nam đã ghi nhận một số các nhà máy điều chỉnh giảm nhẹ.

 Tuần qua, chào giá HRC của Hoà Phát giảm thêm 20 USD/tấn sau khi có công bố của Formosa vào tuần trước, tuy nhiên thị trường đang rất ảm đạm và chào giá của các nhà cung cấp Nga cạnh tranh hơn vẫn không thể chốt được giao dịch thành công. Thép hộp ghi nhận điều chỉnh linh hoạt trên từng doanh nghiệp và khu vực, trong khi thép xây dựng gần như không thể khởi sắc trong tháng 8 này. Tác động của dịch bệnh và đà giảm của phôi trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa cũng gây thêm áp lực lên thị trường phế liệu trong thời gian tới, dù tình trạng khan hàng vẫn tiếp diễn trên nhiều khu vực.

Bài viết gần đây