Bản Tin Thị Trường Sắt Thép Việt Nam (Từ 02/8- 6/8/2021)

  1. Thị trường phế liệu nội địa: Trong tuần qua, đúng như dự báo trước đó, tình trạng khan hàng và khó khăn trong lưu thông tiếp tục có xu hướng đẩy giá phế liệu tăng trên cả nước. Mức tăng phổ biến khoảng 200đ/kg của An Khánh ở  miền Nam, TISCO ở đầu tuần. Một số các bãi phế liệu lớn ở Hải Phòng cũng tăng từ 300-600đ/kg tùy loại. Trong nửa cuối tuần, Thép miền Nam và TISCO tiếp tục thông báo tăng giá phế 200đ/kg.
  2. Thị trường phế liệu nhập khẩu: Xu hướng tăng giá phế liệu nội địa hiện tại đang ngược với phế nhập khẩu, giá phế nhập khẩu đã giảm từ cuối tuần trước và thị trường phế đang ảm đạm tại Trung Quốc, Nhật, châu Âu. Chào giá H2 của Nhật Bản vào Việt Nam giảm 20-25 USD/tấn so với tuần trước, xuống mức 475-480 USD/tấn CFR. Ngược lại, chào giá HMS của Mỹ tăng 10-15 USD/tấn, dao động từ 500-510 USD/tấn CFR.
  3. Thị trường HRC nhập khẩu: Thị trường nhập khẩu HRC của Việt Nam suy yếu trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, các ca dương tính Covid-19 tăng vọt tại khu vực khác ở khu vực phía Nam, và các trung tâm kinh tế như HCM, Hà Nội. Trong tuần này, người mua tỏ ra không hào hứng giao dịch dù phía người bán của Nga và Ấn Độ đang chào giá rất tốt. Trong nửa cuối năm, thậm chí các bên kinh doanh sẽ phải chuyển hướng sang các nguồn cung khác thay thế cho phía các nhà cung cấp của Trung Quốc.
  4. Thị trường HRC nội địa: Biến động trên thị trường chào nhập HRC cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp ở trong nước khiến việc điều chỉnh giá chưa thể diễn ra như dự kiến, giá nội địa đã cơ bản đi ngang trong cả tuần. Thực tế, một số doanh nghiệp trong tuần này cũng có điều chỉnh nhất định về giá, nhưng biên động dao động nhỏ, chỉ từ 100-200đ/kg và giới hạn ở một số loại cụ thể, không phải là điều chỉnh đồng loạt và xu hướng này có thể sẽ kéo dài hết nửa đầu tháng 8.
  5. Thị trường phôi thép xuất khẩu: Ở thị trường xuất khẩu, chào giá phôi của Việt Nam bị ảnh hưởng sau khi phôi Đường Sơn giảm trong đầu tuần này, sau đó tăng nhẹ vào giữa tuần rồi đi ngang. Chính vì vậy, nhà xuất khẩu của Việt Nam đã phải hạ chào giá từ 710-715 USD/tấn CFR ở đầu tuần xuống 695-700 USD/tấn CFR Trung Quốc trong ngày giao dịch cuối tuần.
  6. Thị trường phôi thép nội địa: Số lượng phôi chào bán thấp và người mua tỏ ra thận trọng khi giá chào bán bị đẩy lên cao trong khi giá thép xây dựng chưa có chuyển biến mới. Một số giao dịch ngày cuối tuần đã giảm so với ngày đầu tuần mức giá từ 14,700-14,800đ/kg. Lúc này, kỳ vọng trên thị trường thép xây dựng không thành, tâm lý thị trường chưa được cải thiện, các yếu tố về lưu thông hàng hóa nội địa cũng là những yếu tố quan trọng khác tác động đến thị trường phôi.
  7. Thị trường thép xây dựng: Kỳ vọng tăng giá trên thị trường thép xây dựng đã không thành, thậm chí trong ngày giao dịch đầu tuần đã chứng kiến một nhà máy phía Nam thông báo tăng chiết khấu thêm 500đ/kg. Các yếu tố dịch bệnh, tiêu thụ nội địa và cả sự chững lại trên thị trường phôi khiến thị trường thép xây dựng đi ngang trong cả tuần và có thể tiếp tục  xu hướng này đến giữa tháng 8 thay vì điều chỉnh tăng nhẹ.
  8. Thị trường thép hộp: Thị trường thép hộp tuần qua không có điều chỉnh rõ rệt do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt. Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim hay Sendo chưa có động thái điều chỉnh mới. Nhiều doanh nghiệp thép ống hộp đã tiếp tục áp dụng chính sách chiết khấu đối với các sản phẩm nhằm thúc đẩy được tiêu thụ phần nào trong giai đoạn khó khăn.

Bài viết gần đây